10:23 09/10/2012

Kẻ lừa đảo tài ba nhất thế giới

Viktor Lustig được mệnh danh là kẻ lừa đảo tài ba nhất mọi thời đại. Không chỉ hai lần cả gan lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn, Viktor Lustig còn hàng chục lần lừa bán máy in tiền giả cho những kẻ hám lợi, trong đó có cả cảnh sát trưởng bang Texas (Mỹ).

Viktor Lustig được mệnh danh là kẻ lừa đảo tài ba nhất mọi thời đại. Không chỉ hai lần cả gan lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn, Viktor Lustig còn hàng chục lần lừa bán máy in tiền giả cho những kẻ hám lợi, trong đó có cả cảnh sát trưởng bang Texas (Mỹ).


 

Viktor Lustig.

 

Sinh ra ở đế quốc Áo - Hung năm 1890, Lustig thành thạo 5 ngoại ngữ: Séc, Anh, Pháp, Đức và Italia. Khi quyết định ra ngoài bươn chải với đời, hắn nghĩ: “Có nơi nào kiếm tiền dễ hơn trên những con tàu biển chở khách ra nước ngoài với những kẻ giàu có?”. Quyến rũ và đĩnh đạc, Lustig dành thời gian tán chuyện với những thương nhân thành đạt và tìm hiểu cơ hội “làm ăn”. Cuối cùng, nội dung của các cuộc nói chuyện đều hướng đến nguồn gốc của cải của người Áo. Và với dáng vẻ tự tin nhất, hắn “miễn cưỡng” tiết lộ mình đang sử dụng một “hòm tiền”. Hắn đồng ý cho từng người xem chiếc máy in tiền kỳ diệu mà hắn đang mang theo bên mình. Nó trông giống như một chiếc vali được làm từ gỗ gụ nhưng được gắn với một máy in trông hết sức tinh xảo.


Lustig chứng minh chiếc máy in tiền này sẽ giúp những người giàu có trở nên giàu có hơn nữa bằng cách nhét một tờ 100 USD thật vào chiếc máy đó và sau vài giờ “xử lý hóa học”, chiếc máy đã cho hắn hai tờ 100 USD giống y như thật. Không có gì là khó khăn khi Lustig truyền thông tin trên khắp con tàu về việc hắn đang sở hữu một máy in tiền. Chẳng bao lâu sau, đám người giàu có trên tàu đã lân la đến hỏi hắn cách mà bọn họ có thể kiếm được một hòm tiền như vậy.


 

“Bố già Capone” cũng là nạn nhân của Lustig.

Thêm một lần tỏ ra miễn cưỡng, tên Lustig cho biết sẽ cân nhắc việc bán chiếc máy này nếu được giá. Lustig là người có tính nhẫn nại và cảnh giác. Cuối cuộc hành trình hắn mới hoàn tất phi vụ bán chiếc máy đó với tổng số tiền là 10.000 USD. Để “con mồi” nghĩ rằng mình đã mua được món hời, hắn đã giấu sẵn vài tờ 100 USD thật ở trong máy. Sau vài lần “con mồi” thử in tiền thành công, Lustig lặn mất tăm.


Tuy nhiên, đến năm 1925, Viktor Lustig lại để mắt đến những phi vụ hoành tráng hơn. Sau khi đặt chân đến Pari (Pháp), hắn đọc được một câu chuyện trên báo về ngọn tháp Eiffel đang bị xuống cấp và chính phủ Pháp cần một khoản rất lớn cho việc sửa chữa và bảo dưỡng. Người dân Pari lúc đó lại có quan điểm chia rẽ về việc bảo dưỡng kỳ quan này. Tháp Eiffel được xây dựng vào năm 1889 để làm nơi triển lãm. Nhiều người cho rằng, ngọn tháp xấu xí này nên được dỡ xuống.


Lustig vạch ra một kế hoạch - kế hoạch đưa hắn trở thành một huyền thoại trong lịch sử của những kẻ lừa đảo - lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn. Hắn tìm hiểu kỹ lưỡng danh sách những nhà buôn sắt vụn lớn nhất ở Pari. Sau đó, hắn gửi thư đi các nơi, trong đó mạo danh mình là Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Pháp và đề nghị tổ chức cuộc gặp mặt kín bàn về việc bán tòa tháp này làm sắt vụn - thương vụ chắc chắn sẽ mang lại cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận lớn. Đổi lại, hắn yêu cầu những người tham gia phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin về cuộc bàn thảo này.


 

Tháp Eiffel hai lần bị Lustig rao bán sắt vụn.

 

Hắn thuê một phòng tại khách sạn Hotel de Crillon, một trong những khách sạn hạng sang nhất của thành phố, làm nơi tiến hành các buổi gặp mặt với các nhà buôn sắt vụn. Hắn thông báo cho những người tham gia về quyết định đấu thầu quyền tháo dỡ ngọn tháp với khối lượng khoảng 7.000 tấn thép phế liệu. Lustig thuê xe limousine và tổ chức các chuyến thăm tháp. Tất cả những động thái này của hắn khiến cho các nhà đầu tư tin sái cổ mà không hề mảy may nghi ngờ một chút gì về thương vụ lạ lùng này.


Andre Poisson - một trong những nhà đầu tư tham gia vào phi vụ này - nhanh chóng trở thành “con mồi” của Lustig. Khi Poisson có dấu hiệu hoài nghi, Lustig liền tung ra ngón đòn quyết định. “Là một công chức nhà nước - hắn nói - tôi không kiếm được nhiều tiền và vì vậy việc lựa chọn người mua tháp Eiffel là một quyết định rất lớn”. Chỉ thế thôi là đủ để Poisson “cắn câu”. Poisson chuyển 70.000 USD cho vị thứ trưởng dởm để có thể đảm bảo chắc rằng nhà buôn này là người thắng thầu.


Chưa đầy một giờ sau khi đút túi 70.000 USD, Lustig đã trên đường quay trở lại nước Áo. Hắn chờ đợi thời điểm câu chuyện bị vỡ lở và bị nhà chức trách truy nã nhưng rốt cục điều đó đã không xảy ra. Poisson, do sợ bị cười vào mũi nếu vụ việc bị lộ, đã lựa chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không thông báo cho nhà chức trách.


Nghe ngóng không thấy động thái gì, Lustig sớm quay trở lại Pari để tiến hành vụ rao bán tháp Eiffel lần nữa. Nhưng với lần rao bán này, Lustig nghi ngờ một trong những nhà buôn sắt vụn mới mà hắn tiếp xúc đã thông báo cho cảnh sát, vì vậy hắn vội vàng chuồn sang Mỹ.


Trên đất Mỹ, Lustig quay trở lại với trò lừa đảo máy in tiền. Hắn lấy hàng chục tên giả và nhiều lần bị bắt giữ. Trong hơn 40 vụ, hắn thoát được lưới pháp luật hoặc bỏ trốn trong quá trình chờ bị đưa ra xét xử (trong đó có nhà tù quận Lake, bang Indiana, nơi mà kẻ cướp nhà băng John Dillinger từng bị giam giữ). Hắn lừa một cảnh sát trưởng ở bang Texas và một nhân viên thu thuế tổng số tiền là 123.000 USD bằng trò bán khuôn đúc tiền. Và sau khi viên cảnh sát trưởng phát hiện ra hắn ở Chicago, Lustig liền trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ cho ông ta không có kinh nghiệm trong việc sử dụng chiếc máy này và trả lại một số tiền lớn. Điều này khiến viên cảnh sát trưởng tiếp tục bị ám ảnh về chiếc máy in tiền, thậm chí quay sang nghi ngờ về trình độ sử dụng máy của chính mình.


Ở Chicago, Lustig nói với Al Capone, một bố già khét tiếng, rằng hắn đang cần 50.000 USD để đầu tư cho một phi vụ làm ăn và hứa sẽ trả gấp đôi số tiền đó chỉ sau hai tháng nếu phi vụ này trót lọt. Capone có chút nghi ngờ nhưng vẫn trao tiền cho hắn. Lustig cất kỹ số tiền đó trong một cái tủ trong phòng hắn và hai tháng sau mang trả lại. “Phi vụ làm ăn không trót lọt” - hắn nói. Capone rất ấn tượng với thái độ “thật thà” của Lustig nên cho hắn 5.000 USD. Thực sự thì Lustig chưa từng có ý định sử dụng số tiền 50.000 USD mà hắn vay của Al Capone để làm bất cứ việc gì mà đơn giản chỉ để lấy lòng tin của bố già này.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 2: Vào tù ra tội