12:21 30/12/2014

Kể chuyện danh tướng bằng nghệ thuật

Hình tượng các vị tướng được thể hiện qua hội họa, qua các tác phẩm điêu khắc có nhiều vẻ, nhiều hình thức khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một hình ảnh về những vị tướng với phong cách, thần thái khác nhau. Nhưng quan trọng hơn, đó là những tình cảm chân thành, tha thiết của thế hệ các họa sỹ trẻ tri ân những vị tướng tài ba của dân tộc.

Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật về các danh tướng tài ba của Việt Nam được trưng bày trong triển lãm “Danh tướng Việt Nam”, diễn ra từ 29-5/1/2015, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội) đã thu hút đông đảo công chúng ghé thăm. Đó là những bức tranh sơn dầu, những bức tượng điêu khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Nam Long…  những vị danh tướng tài ba, có công lao rất lớn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Hình tượng các vị tướng được thể hiện qua hội họa, qua các tác phẩm điêu khắc có nhiều vẻ, nhiều hình thức khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật có nhiều tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này với nhiều chất liệu khác nhau. Từ những bức chân dung Đại tướng khi còn trẻ, khi ở Điện Biên Phủ, cho đến sau này… mỗi tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh về một vị tướng với phong cách, thần thái khác nhau, và đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho công chúng. 

Tác phẩm "Đại tướng bên bàn làm việc" được trưng bày tại triển lãm.


Nhiều du khách đã thích thú dừng chân bên một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, được chế tác từ vỏ đạn 105 ly. Nói về tác phẩm nghệ thuật độc đáo này, anh Trần Thanh Tùng, đại diện BTC triển lãm cho biết: Chiếc vỏ đạn này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, là vũ khí có tính sát thương cao. Nhưng 60 năm sau, nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật, được các nghệ sỹ dùng để kể câu chuyện lịch sử về trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Trên vỏ đạn pháo tái hiện những khoảnh khắc, những cột mốc, dấu ấn về trận Điện Biên Phủ. Điểm xuất phát từ rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời Quân đội nhân dân Việt Nam, đến hình ảnh về đoàn xe thồ chở quân lương, đạn dược lên Điện Biên Phủ. Từ những hình ảnh Bác Hồ và Tướng Giáp bàn việc quân trong hầm chỉ huy, đến hình ảnh bộ đội ta kéo pháo, đánh vào đồn địch, và cuối cùng là hình ảnh lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờcát… 

Bức tượng “Đại tướng bên bàn làm việc” của nhà điêu khắc Trần Như Thức cũng là một tác phẩm để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan. Đó là hình ảnh một vị tướng già tóc bạc, da mồi nhưng ngày ngày vẫn miệt mài bên bàn làm việc, trên mặt luôn đau đáu nỗi lo vì nước, vì dân… Nhà điêu khắc Trần Như Thức cho biết: “Sau đám tang Đại tướng, tôi rất xúc động và đã sáng tác liên tục hàng chục tác phẩm điêu khắc về Đại tướng, trong đó có tác phẩm ‘Đại tướng bên bàn làm việc’. Để cho ra đời những tác phẩm này, tôi đã xem phim, ảnh, nghe các câu chuyện kể, từ đó tìm kiếm những cử chỉ, ánh mắt đặc biệt gây ấn tượng với mình để làm tứ sáng tạo tác phẩm của mình”.

Tại triển lãm, tác giả Ngô Thị Thục gây ấn tượng với 2 bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ghép từ hàng nghìn que diêm. Bà Thục tâm sự: “Xuất phát từ tình cảm chân thành, thiêng liêng với những vị tướng tài ba của dân tộc, những người có công với nước, nên tôi đã nghĩ ra cách ghép những que diêm thành tác phẩm nghệ thuật, thể hiện lòng tôn kính của mình. Tôi nhờ các họa sỹ vẽ giúp hình chân dung Đại tướng trên tranh, sau đó dùng diêm và keo ghép lại thành tranh”. Bà Thục cho biết, bức chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghép từ 6.000 que diêm, và hoàn thành trong hơn 3 tháng. Còn bức chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được ghép từ 10.000 que diêm và ghép trong vòng hơn 5 tháng mới hoàn thành.

Nói về ý nghĩa của triển lãm, PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Đỗ Bảo cho biết, triển lãm danh tướng Việt Nam đã mang đến những hình ảnh về những vị tướng tài ba của dân tộc, giúp người xem biết đến những vị anh hùng dân tộc… Hình ảnh các tướng lĩnh với phong thái khác nhau, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ giúp lớp trẻ hiểu thêm về từng khoảnh khắc trong cuộc đời của các danh tướng này, về những công lao mà các tướng đã đóng góp trong lịch sử dân tộc.

Anh Trần Thanh Tùng, Trưởng ban Dự án “Huyền thoại Việt Nam” cho biết: Triển lãm “Danh tướng Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật” là một phần của dự án “Huyền thoại Việt Nam”, được thành lập cách đây hơn 3 năm. Triển lãm được thực hiện nhằm góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, giúp nhân dân hiểu về lịch sử, về các danh tướng, góp phần giáo dục truyền thống, kêu gọi cộng đồng có ý thức hơn trong việc đưa lịch sử đến gần với công chúng...


Bài và ảnh: Phương Hà