01:15 04/01/2012

Juventus tin vào chiến lược “bình dân”

Trái ngược với chính sách chiêu mộ “sao” của các đối thủ lớn nhất, Juventus vẫn trung thành với chiến lược chiêu mộ những người hùng thầm lặng bằng vụ mượn tiền đạo Marco Borriello, một “hàng thải” của Roma. Đây liệu có phải là cách làm đúng đắn trong mục tiêu tái chiếm vị thế số 1 ở Serie A của Juve?

Trái ngược với chính sách chiêu mộ “sao” của các đối thủ lớn nhất, Juventus vẫn trung thành với chiến lược chiêu mộ những người hùng thầm lặng bằng vụ mượn tiền đạo Marco Borriello, một “hàng thải” của Roma. Đây liệu có phải là cách làm đúng đắn trong mục tiêu tái chiếm vị thế số 1 ở Serie A của Juve?

Cách đây một năm, “Bố già” Luciano Moggi từng lên tiếng chỉ trích chính sách mua bán của đội bóng cũ: “Juventus không cần 14 cầu thủ tầm thường mà là cần 3 hoặc 4 ngôi sao đẳng cấp. Nếu tôi còn tại vị, sẽ không bao giờ có chiến lược chuyển nhượng tự sát kiểu này. Ngay từ đầu, tôi đã tin rằng Juve không thể giành Scudetto và bây giờ thì sự thật đúng là như thế”. Đó là thời điểm Juve lâm vào siêu khủng hoảng với một chuỗi trận thua mất mặt ngay đầu năm 2011, khi chính sách “Italia hóa Juve” với hàng loạt tân binh nội có chất lượng vừa phải tỏ rõ những hạn chế. Một năm sau, vẫn với chính sách “hàng bình dân” ấy, chỉ khác là tư duy “Italia hóa” đã bị loại bỏ, Juve lại đang thành công. Phải chăng quan điểm của Moggi là sai lầm?



Borriello tái ngộ với Vucinic ở Juventus.


Xung quanh vụ chiêu mộ Borriello của Juventus hiện có nhiều tranh cãi, dù đây chỉ là một vụ mượn người với điều khoản mua đứt vào cuối mùa. Có không ít ý kiến cho rằng Juve cần bổ sung ở hàng thủ và tuyến giữa hơn là cho hàng công, mà nếu có bổ sung thì cũng chẳng nên dính đến một cầu thủ đã hầu như không đá bóng suốt 1 năm qua, nhưng nhìn chung, người ta đánh giá đây là một thương vụ hợp lý của Juventus để tăng chiều sâu đội ngũ, bổ sung một giải pháp dự phòng có thể tin cậy được mà chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ. Điều cốt lõi là Juventus sẽ làm thế nào để giúp Borriello thể hiện được khả năng trong bối cảnh khó được đảm bảo vị trí chính thức và ra sân thường xuyên.

Khát khao thi đấu của Borriello hứa hẹn sẽ giúp anh tìm lại được phong độ đỉnh cao như khi còn khoác áo Genoa (ghi 19 bàn Serie A mùa 2007-08), song điều mà Juve mong chờ hơn là quyết tâm của Borriello sẽ buộc những chân sút khác như Matri, Vucinic, Quagliarella phải nỗ lực hơn để cạnh tranh vị trí. Hiện tại, sự “độc quyền” ở vai trò tiền đạo cắm đã khiến Matri chơi có phần cẩu thả hơn, dẫn đến sự sa sút đáng kể so với mùa trước, trong khi Vucinic cũng có hiệu suất ghi bàn tồi nhất kể từ mùa 2006-07 (mới ghi 2 bàn/12 trận). Tuy nhiên, tăng áp lực cạnh tranh cũng có nghĩa là Juve phải đối mặt với những nguy cơ lục đục trong nội bộ các tiền đạo, đặc biệt là giữa Borriello với Vucinic, hai người đồng đội cũ từng có va chạm khi còn khoác áo Roma mùa trước.

“Bất hòa” cũng chính là điều nguy hiểm mà những người nghi ngờ tính tích cực của thương vụ này lo ngại, bởi vì nếu điều đó xảy ra, Juventus sẽ mất đi thứ vũ khí mạnh nhất của họ mùa này là sự đoàn kết một lòng. Conte và các học trò đã chứng minh Moggi sai lầm khi đánh giá thấp một Juve thiếu “sao” bằng cách thể hiện sức mạnh tinh thần trong từng cá nhân và tạo nên một tập thể gắn kết trong khát khao chiến thắng bao trùm, song đấy không phải là một sức mạnh bền vững trong bối cảnh áp lực tâm lý càng lúc càng tăng khi Juve thực sự hướng đến Scudetto. Đã vài lần trong thời gian gần đây đội bóng này bộc lộ sự thiếu tập trung, biểu hiện của sự tự mãn hoặc là sự sợ hãi trong tâm lý. Dù vậy, cũng không thể nói rằng sự lục đục sẽ không xảy ra nếu một ngôi sao cỡ Tevez đến thay vì Borriello.

Việc chiêu mộ Borriello (dù về mặt tài chính, Juve đủ sức cạnh tranh Tevez hoặc mua một cầu thủ danh tiếng hơn) cho thấy Juventus hoàn toàn tin tưởng vào chiến lược không cần ngôi sao mà họ đã thực hiện thành công từ đầu mùa. Tuy nhiên, mùa giải mới chỉ đi được non nửa chặng đường và thực tế thì mùa trước, Juve cũng đã chơi khá tốt cho đến trước Tháng Giêng.


Theo thethaovanhoa.vn