11:19 17/11/2014

Italy: Thất nghiệp do giáo dục cứng nhắc

Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ của Italy một phần là do hệ thống giáo dục cứng nhắc của nước này.

Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ của Italy một phần là do hệ thống giáo dục cứng nhắc của nước này.

Thanh niên Italy thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kiến thức từ trường học vào môi trường làm việc.


Báo cáo trên cho biết, trong khi các kỹ năng cơ bản của học sinh bậc phổ thông của Italy bằng và thậm chí cao hơn so với mức trung bình của các nước Liên minh châu Âu (EU), nhưng ở bậc giáo giục đại học và cao đẳng lại tụt hậu so với mức trung bình của các nước EU.

Theo thống kê, chỉ có 22,4% trong số những người có độ tuổi từ 30 - 34 là theo học cao đẳng và đại học, thấp hơn nhiều so với số liệu ở châu Âu và mức trung bình của EU là 36,9%. Các kỹ năng về toán học và văn học của thanh niên ở Italy “rất nghèo nàn” so với các nước EU khác. Người Italy có xu hướng dừng học tập sớm hơn các nước châu Âu khác và thường gặp khó khăn hơn trong việc áp dụng kiến thức từ trường học vào môi trường làm việc.

Giới trẻ Italy sau khi rời khỏi hệ thống giáo dục sẽ gặp khó khăn lớn để kiếm việc làm vì họ thiếu mối liên kết với thị trường lao động với những đòi hỏi khắt khe.

Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến thị trường việc làm, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Italy lên đến 42,9%. Giám đốc của dự án giáo dục suốt đời (eduLIFE) do EU tài trợ, Hans-Peter Blossfeld cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở Italy một phần là do hệ thống giáo dục của nước này.

Theo ông Blossfeld, các nước Nam Âu không có hệ thống đào tạo nghề phát triển. Sau khi nghỉ học, học sinh, sinh viên trở thành người ngoài cuộc của thị trường lao động. Họ không có mạng lưới và cách tiếp cận gần gũi với các công ty. Điều này càng làm cho họ khó kiếm được việc làm.

Đối với Italy cũng vậy. Những người rời khỏi hệ thống giáo dục ở Italy sẽ gặp rào cản lớn hơn nữa để kiếm việc làm vì họ bị đứng bên ngoài thị trường lao động khắt khe. Những người đã có việc làm lại có sự bảo vệ và đảm bảo việc làm tốt hơn, trong khi những người mới tốt nghiệp muốn tìm kiếm việc làm sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để tham gia thị trường lao động.

Ông Blossfeld cảnh báo, nếu Italy tiếp tục duy trì hệ thống giáo dục cứng nhắc như hiện nay, những người không được đào tạo trình độ cao có nguy cơ thất nghiệp trong thời gian dài. Nếu không được giáo dục và đào tạo tốt trước khi bước vào thị trường lao động, khả năng bị thất nghiệp là cao.

Hiện Thủ tướng Matteo Renzi đang cố gắng cải cách hệ thống giáo dục cứng nhắc, tạo thuận lợi cho các công ty thuê nhân công, nhưng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các công đoàn lao động. Ông Renzi có thể sẽ học theo hình mẫu giáo dục của Đức, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ chỉ có 7,6%. Đức có truyền thống về hệ thống giáo dục kép, trong đó thanh niên được đào tạo cả ở trường học và nơi làm việc. Điều này tạo ra cầu nối giữa đào tạo và thị trường lao động.

Theo ông Blossfeld, Đức có nền kinh tế mạnh hơn Italy nhưng chi phí cho giáo dục lại thấp hơn mức trung bình của các nước EU. Do vậy, vấn đề không phải ở việc đầu tư mà là cơ cấu giáo dục.


 Phạm Đức Hòa
(P/v TTXVN tại Italy)