11:14 04/11/2014

Italy: Chính phủ không lùi bước trong cải cách lao động

"Chính phủ sẽ không lùi một milimet nào trong chương trình cải cách lao động. Chính phủ sẽ tiến về phía trước nhằm đưa Italy ra khỏi khó khăn".

"Chính phủ sẽ không lùi một milimet nào trong chương trình cải cách lao động. Chính phủ sẽ tiến về phía trước nhằm đưa Italy ra khỏi khó khăn".

Thủ tướng Italy Matteo Renzi: "Chính phủ sẽ không lùi một milimet nào trong chương trình cải cách lao động". Ảnh: romannews.com


Đó là tuyên bố của Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong một cuộc họp với các lãnh đạo trong giới doanh nghiệp và công nghiệp ở Brescia, miền Bắc Italy. Trong cuộc nói chuyện được truyền trực tiếp trên truyền hình hôm 3/11, người đứng đầu nội các Italy cũng khẳng định rằng chính phủ không loại trừ khả năng sẽ đưa chương trình cải cách lao động ra bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện để nhanh chóng thúc đẩy dự luật này thành đạo luật, sau khi cải cách này đã được thông qua ở Thượng viện hồi đầu tháng 10, cũng qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối 2-11, ông Renzi cũng khẳng định đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền sẽ đi đến cùng trong cải cách này, bất chấp các đảng cánh tả nhỏ và một bộ phận thiểu số trong đảng Pd chống lại dự luật này.

Các đảng cánh tả, trong đó có Pd, theo truyền thống, ủng hộ giới công nhân và các nghiệp đoàn lao động. Tuy nhiên, cải cách lao động, được chính phủ Italy gọi là Jobs Act, đã gây chia rẽ sâu sắc trong Pd và bị các nghiệp đoàn lao động phản đối.

Jobs Act, một chương trình đầy tham vọng mà chính phủ đã theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 2-2014, được thiết kế nhằm cải cách lại thị trường lao động, giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp hiện đã lên mức kỉ lục 12,6%, tương đương với 3,2 triệu người Italy không có việc làm, kích thích các doanh nghiệp trong khó khăn thuê mướn lao động bằng các hợp đồng dài hạn, kết hợp với việc giảm thuế cho họ trong ba năm, nếu họ làm được việc này.

Tuy nhiên, Jobs Act bị phản đối vì sửa đổi điều 18 trong Luật lao động Italy, cho phép các doanh nghiệp dễ dàng sa thải người lao động hơn. Việc sửa đổi này được Liên minh Châu Âu và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ, cho rằng điều này giúp Italy có tính cạnh tranh hơn trên thị trường lao động và thu hút được đầu tư nước ngoài.

Hôm 24-10, CGIL, nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy đã tập hợp được hàng vạn người tổ chức biểu tình rầm rộ ở thủ đô Rome. CGIL cũng kêu gọi người lao động xuống đường biểu tình và tổng bãi công trong cả nước trong tháng 11. FIOM, công đoàn của công nhân luyện kim đã hưởng ứng lời kêu gọi này, khi tuyên bố sẽ tổ chức tổng đình công trong 8 tiếng của một ngày giữa tuần tháng 11 và tiến hành ba cuộc biểu tình khác trong tháng này.

Nghiệp đoàn các bác sĩ và y tá Italy cũng khẳng định sẽ tiến hành tổng bãi công trong ngày 8-11 trên toàn quốc, dẫn đến nguy cơ có khoảng 30 nghìn ca mổ không thể thực hiện được. Hôm 3-11, một nhóm hơn 400 công nhân cũng đã biểu tình và xô xát với cảnh sát chống bạo động trước tòa nhà, nơi Thủ tướng Renzi đang đối thoại với các lãnh đạo công nghiệp. Trước đó, một số người biểu tình đã bị thương trong cuộc xô xát với cảnh sát tại Terni, miền trung Italy.

Hiện tại, uy tín của Thủ tướng Renzi vẫn đang rất cao. Nhưng cuộc thăm dò dư luận công bố hôm chủ nhật 2-11 của báo Corriere della Sera, nhật báo lớn nhất Italy, cho thấy, uy tín của cá nhân ông đạt 54%, thấp hơn 4% so với cùng kì tháng trước, khi các cuộc tranh luận về Jobs Act bắt đầu nổ ra.

Nhật báo này cho rằng ông Renzi đang đánh cược số phận chính trị của mình và chính phủ vào chương trình cải cách lao động, trong khi các đối thủ chính trị đang tận dụng thời điểm nhạy cảm của nền chính trị và sự suy thoái của nền kinh tế để phản công ông.

Mới nhất, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, thủ lĩnh đảng Forza Italia, đã lên tiếng sau một thời gian im ắng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh 5 truyền hình Italy do ông làm chủ, Berlusconi tuyên bố các lực lượng đối lập sẽ xuống đường trong thời gian tới để phản đối chính sách kinh tế của chính phủ, đồng thời chống lại những "bất công" về pháp lí dành cho ông.

Ông Berlusconi đã bị truất phế khỏi Quốc hội Italy tháng 10 năm ngoái, sau một bản án của Tòa án Milan kết tội ông trốn thuế và gian lận giấy tờ tài chính trong một vụ mua bản quyền truyền hình.


Trương Anh Ngọc
(P/v TTXVN tại Rome)