07:22 05/07/2015

Israel: Những giải pháp cho một đất nước khô cằn

Giữa mênh mông đồi núi nóng bỏng của vùng sa mạc Negev ở miền nam Israel, chốc chốc lại hiện ra những ốc đảo, những nhà kính trồng rau tươi tốt, những cánh đồng mầu xanh mát mắt của cây trái trĩu cành.

Giữa mênh mông đồi núi nóng bỏng của vùng sa mạc Negev ở miền nam Israel, chốc chốc lại hiện ra những ốc đảo, những nhà kính trồng rau tươi tốt, những cánh đồng mầu xanh mát mắt của cây trái trĩu cành. Bức tranh tương phản như vậy ở xứ sở mà nguồn nước tự nhiên chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu này là kết quả của một nền công nghệ và văn hóa về nước tiên tiến hàng đầu thế giới.

Khó khăn về nước đã trầm trọng từ trước khi nhà nước Do thái được thành lập năm 1948. Ngày nay, Israel mỗi năm cần hơn 2 tỷ mét khối nước ngọt, trong đó 1,1 tỷ m3 cho nông nghiệp, 800 triệu m3 cho nhu cầu sinh hoạt của 8,2 triệu dân và 120 triệu m3 cho công nghiệp. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên như biển hồ nước ngọt Galilee và nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt; lượng mưa giảm và không bù được lượng nước bốc hơi. Người Israel đã bù đắp sự thiếu hụt này chủ yếu bằng các nhà máy lọc nước biển; tái chế nước thải; quản lý, sử dụng nước hiệu quả; phát triển các công nghệ về nước và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề nước.

Nước ngọt từ nước biển

Nằm cách Tel Aviv 50 km về phía bắc, bên bờ Địa Trung hải là nhà máy khử mặn nước biển Hadera có công suất 127 triệu m3 nước ngọt chất lượng cao mỗi năm. Đây là tổ hợp lớn nhất trong bốn nhà máy sản xuất nước sinh hoạt từ nước biển ở Israel. Cuối năm 2015, nhà máy thứ năm đi vào hoạt động sẽ nâng công suất khử mặn nước biển lên 600 triệu m3/năm, đáp ứng 75% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân Israel.

Nhà máy khử mặn nước biển Hadera.


Ông Abraham Tenne, phụ trách lĩnh vực khử mặn nước biển thuộc Cơ quan quản lý nước (Water Authority) của chính phủ Israel, cho biết nhà máy Hadera sử dụng điện để xử lý nước biển theo hai chu trình, trong đó áp dụng công nghệ màng lọc nhiều lớp thẩm thấu nước ngọt, thải muối trở lại biển. Nước lọc từ các nhà máy khử mặn này còn được bổ sung nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, sau đó được cung cấp làm nước sinh hoạt cho cả nước theo mạng lưới đường ống nước quốc gia. Dự kiến, đến năm 2020, tổng công suất nước từ khử mặn nước biển sẽ đạt 750 triệu m3/năm hoặc hơn, đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho cả nước. Công nghệ khử mặn nước biển của Israel được đánh giá là tiên tiến bậc nhất và đang được xuất khẩu sang hàng chục nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Brazil.

Tuy giá thành nước khử mặn của Israel vào hàng thấp nhất thế giới, chỉ 0,55 USD (hơn 11.000 VND)/m3, nhưng chi phí như vậy cũng rất lớn, không thể ào ạt xây thêm các nhà máy khử mặn. Do vậy biện pháp hiệu quả tiếp theo là tái chế nước sinh hoạt.

Mỗi giọt nước được sử dụng hai lần

Mùi khó chịu đặc trưng của chất thải bồn cầu bốc lên nồng nặc khi các nhà chức trách Israel hướng dẫn chúng tôi tới thăm những bể sơ chế lộ thiên khổng lồ của tổ hợp xử lý nước thải Shafdan ở ngoại ô Tel Aviv. Sự tương phản hiện rõ ở đầu ra của nhà máy, đó là dòng nước trong vắt liên tục chảy vào những bể chứa hoặc đường ống lớn.

Một góc tổ hợp xử lý nước thải Shafdan.


Với công suất mỗi ngày xử lý 370.000 m3 nước thải, Shafdan là nhà máy lớn nhất trong hơn 100 tổ hợp tái chế nước thải sinh hoạt ở Israel. Nước và chất thải của 2,3 triệu dân ở 23 thành phố, khu dân cư vùng Gush Dan được dẫn về nhà máy Shafdan qua mạng lưới đường ống lớn. Sau nhiều công đoạn xử lý sinh hóa, màng lọc… nước đạt chất lượng có thể uống được nhưng hiện chỉ dùng cho nông nghiệp ở sa mạc Negev. Ngoài nước, mỗi ngày còn có hơn 40 tấn cặn được xử lý thành phân bón cung cấp miễn phí cho nông dân. Đấy là chưa kể khá nhiều “vật thể lạ” như đồng hồ, đồ nữ trang… có giá trị được sung công quỹ sau khi thu hồi từ quá trình xử lý. Đến cuối năm 2015, Shafdan sẽ tự cung về điện cho hoạt động của tổ hợp nhờ tận dụng nguồn khí mêtan sinh ra từ quá trình xử lý nước thải để chạy máy phát điện. Các kỹ sư ở tổ hợp Shafdan đã không đùa khi nói rằng mỗi giọt nước ở Israel được sử dụng hai lần: Trên thực tế, khoảng 75% nước thải, nước rửa, chất thải nhà vệ sinh… ở Israel đã được tái chế để lấy nước tưới và hiện nay, nước tái chế chiếm tới 50-60% lượng nước sử dụng trong nông nghiệp.

Công nghệ và ý thức con người

Đến Israel, nếu chú ý quan sát ta sẽ thấy hầu như dưới bất cứ gốc cây trồng nào trong thành phố, cả những cây cảnh trên ban công các tòa nhà, cũng có những đường ống len lỏi, nhỏ nước tưới khi có lệnh. Chính người Israel đã sáng tạo ra công nghệ tưới nước nhỏ giọt và áp dụng vào nông nghiệp trong nước từ giữa thập kỷ 1970. Ngày nay, 100% mùa màng ở Israel được tưới nước, trong đó 75% được tưới theo phương pháp áp lực thấp (nhỏ giọt). Hệ thống nhỏ giọt không chỉ tưới nước mà còn dẫn phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ đến tận rễ cây, như lời một nông dân vùng sa mạc Negev nói: “Đưa vào tận miệng; tưới cây chứ không tưới đất”. Nhờ phương pháp tưới tiên tiến, từ năm 1975 đến 2010, sản lượng nông nghiệp ở Israel đã tăng 12 lần nhưng lượng nước tưới không tăng. Năng suất cây trồng ở Israel tăng gấp đôi khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và hơn 80% các nông phẩm từ phương pháp tưới này đang được xuất khẩu. Công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel nay đã được nhiều nước, trong đó có Việt Nam, áp dụng hiệu quả.

Một nông dân đang giới thiệu cách tưới nhỏ giọt trên cánh đồng bông ở sa mạc Negev.


Nước vừa là đề tài nóng, vừa là ngành đào tạo, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh “hot” ở Israel. Cơ quan quản lý nước, gồm những thành viên từ các bộ quan trọng nhất trong chính phủ Israel và đại diện công chúng, là nơi đề ra các chiến lược về nước. Các biện pháp và công nghệ tiên tiến đã giúp Israel giảm tỷ lệ nước thất thoát còn 10% và đang phấn đấu xuống 8% tổng sản lượng nước. Hàng năm, chính phủ Israel định lại giá bán nước theo nguyên tắc không bù lỗ và theo hai mức: 2,3 USD (gần 49.000 VND)/m3 cho mức tiêu thụ dưới 3,5 m3/người/tháng; và 3,7 USD (78.000 VND)/m3 nếu tiêu thụ trên 3,5 m3/người/tháng. Tiền nước bình quân mỗi hộ gia đình Israel chỉ vào khoảng 40 USD/tháng. Với GDP bình quân đầu người 37.000 USD/năm, người Israel có thể dễ dàng dùng thêm nước nhưng họ rất có ý thức tiết kiệm. Đó là nhờ các phương tiện truyền thông hằng ngày quảng cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nước và tiết kiệm nước. Chủ đề nước được đưa vào giảng dạy từ lớp mẫu giáo và ngày càng có nhiều học sinh Israel theo học và nghiên cứu các ngành về nước, công nghệ và thiết bị nước.

Cánh đồng chà là gần Biển Chết được tưới bằng phương pháp nhỏ giọt.


Israel dự kiến sẽ tổ chức Triển lãm Watec 2015 vào tháng 10 năm nay để quảng bá công nghệ nước và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh cho ngành nước. Biết đâu, tình trạng hạn hán ở miền Trung hay thiếu nước mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta sẽ được giải quyết hoặc giảm nhẹ nếu chúng ta áp dụng được rộng rãi vài biện pháp quản lý nước và công nghệ nước của Israel.

Bài và ảnh: Mai Hương