04:09 21/04/2015

Iran cáo buộc phóng viên Washington Post làm gián điệp

Một nhà báo của tờ Washington Post hiện phải đối mặt với phiên tòa xét xử tội danh hoạt động gián điệp tại Iran.

Ngày 20/4, Leila Ahsan, luật sư của phóng viên Jason Rezaian làm việc cho tờ "Washington Post", cho biết nhà báo này đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử tội danh hoạt động gián điệp và 3 cáo buộc khác, trong đó có "cộng tác với các chính phủ thù địch".

Theo luật sư Leila, phóng viên 39 tuổi của tờ "Washington Post" tại Tehran đã bị giam giữ suốt 9 tháng qua song ngày ra tòa chưa được ấn định.

Phóng viên Jason Rezaian.


Đây là lần đầu tiên bà Leila tiết lộ vụ kiện thân chủ của mình và cho rằng vụ này "không có bằng chứng xác đáng". Bà cho biết nhà báo Rezaian còn bị buộc tội thu thập thông tin mật và tuyền truyền chống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Cùng ngày, tờ "Washington Post" đã lên án các cáo buộc của Iran nhằm vào ông Rezaian. Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết họ chưa có sự xác nhận chính thức về các cáo buộc hoạt động gián điệp đối với nhà báo Jason Rezaian.

Trong một diễn biến khác, truyền thông địa phương cho biết quân đội Israel mới đây đã yêu cầu mở một cuộc điều tra liên quan đến việc tiết lộ các thông tin nhạy cảm về thỏa thuận bí mật của Israel với Chính phủ Iran.

Theo tờ "Times of Israel" và Kênh 2 truyền hình Israel, người đứng đầu cơ quan kiểm soát quân sự thuộc quân đội Israel, Tướng Sima Vaknin-Gil đã yêu cầu mở cuộc điều tra nói trên sau khi một quan chức an ninh cấp cao được cho là đã tiết lộ những thông tin bí mật cho tờ "Haaretz" của nước này.

Trong một bức thư mà Kênh 2 thu được, Tướng Vaknin-Gil cho rằng bài báo do "Haaretz" đăng tải, trong đó đề cập chi tiết về cuộc tranh cãi pháp lý giữa Israel và Iran liên quan đến một dự án đường ống dẫn dầu chung giữa hai nước từ trước khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, đã "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến an ninh quốc gia của Israel.

Một trong những vấn đề nhạy cảm được tiết lộ là việc triển khai các nguồn ngân sách bí mật của Israel trong trường hợp nước này buộc phải chi trả các khoản bồi thường cho Iran. Được biết, chỉ một vài quan chức hàng đầu của Israel được phép tiếp cận thông tin về nguồn ngân sách bí mật nói trên, do vậy Tướng Vaknin-Gil nghi ngờ việc rò rỉ bắt nguồn từ các lãnh đạo cấp cao.

Tranh cãi pháp lý giữa hai nước liên quan đến một dự án chung được thành lập từ năm 1968 nhằm chuyển dầu từ cảng Eilat của Israel sang châu Âu. Sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran rút khỏi thỏa thuận này, để quyền điều hành lại cho phía Israel.

Tuy vậy, Iran nhiều lần yêu cầu Israel phải trả cho nước này các khoản tiền chưa được thanh toán. Hai nước đã đưa vụ tranh cãi này lên tòa án trọng tài quốc tế và một tòa án Thụy Sỹ hồi năm ngoái đã ra phán quyết rằng Israel phải hoàn trả lại cho Iran các khoản tiền bị thiệt hại từ dự án nói trên.

Theo nhận định ngày 20/4 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn "The Economist" (Anh), tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ diễn ra căng thẳng trong những tháng tới.

Tuy nhiên, EIU dự báo rằng các bên liên quan (Nhóm P5+1 và Iran) vẫn có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện cuối cùng trước thời hạn chót vào cuối tháng 6 tới.

Ngoại trưởng các nước P5+1 và Iran tại vòng đàm phán ở Lausanne ngày 31/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Vừa qua, do sức ép từ chính Đảng Dân chủ, Tổng thống Barack Obama đã phải chấp nhận để Quốc hội Mỹ có quyền xem xét thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Mặc dù ông Obama vẫn có thể phủ quyết nếu Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ thỏa thuận, song động thái mang tính nhượng bộ này sẽ khiến tiến trình đàm phán giữa Nhóm P5+1 với Iran đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn.

Dư luận đặt câu hỏi liệu ông Obama có đủ khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Iran hay không. Tuy nhiên, theo EIU, động thái nhượng bộ của ông Obama là có tính toán. Ông Obama vẫn đảm bảo rằng Quốc hội Mỹ không đi vào những vấn đề cụ thể trong khi tiến trình đàm phán đang diễn ra.

Nhận thức rõ những tác động từ chính trường Mỹ, ông Obama sẽ tranh thủ tối đa quyền hành pháp để thúc đẩy thỏa thuận cuối cùng và toàn diện với Iran.


TN (Theo AFP/Reuters)