08:10 31/08/2011

Irắc: Một thập kỷ sau sự kiện 11/9

Một thập kỷ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ, Irắc đang nỗ lực tái thiết đất nước trong bối cảnh rối loạn chính trị, nổi loạn liên tục và nạn tham nhũng lan tràn làm mờ đi triển vọng về một đất nước giàu có nhờ dầu mỏ.

Một thập kỷ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ - sự kiện khơi mào cho cuộc xâm lược Irắc năm 2003, Irắc đang nỗ lực tái thiết đất nước trong bối cảnh rối loạn chính trị, nổi loạn liên tục và nạn tham nhũng lan tràn làm mờ đi triển vọng về một đất nước giàu có nhờ dầu mỏ.

Nạn bạo lực lan tràn ở Irắc. Ảnh: Internet


Sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, bạo lực đã cướp đi hơn 100.000 mạng sống và cản trở việc tái thiết cơ sở hạ tầng đổ nát và nền kinh tế bị tụt hậu của Irắc.

Và trong khi sản lượng dầu thô đang tăng dần cùng với giá cao mang lại nguồn thu cho đất nước đang rất cần tiền này thì các chính trị gia suốt 18 tháng qua (kể từ sau cuộc bầu cử cuối cùng) vẫn đang tranh cãi về các vị trí trong nội các và do dự trong việc liệu có nên yêu cầu quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Irắc trong những năm tới hay không.

Sau sự kiện 11/9/2001, Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush loan tin - mà cho đến giờ người ta vẫn nghi ngờ tính xác thực của nó - rằng ông Hussein có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và sở hữu các vũ khí hủy diệt hàng loạt - để biện minh cho cuộc xâm lược Irắc của Mỹ.

Giờ đây, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến lúc quân đội Mỹ rút về nước theo kế hoạch, bạo lực vẫn là một vấn đề chính ở Irắc dù đất nước này đã ổn định hơn nhiều so với thời kỳ năm 2006 - 2007, khi các vụ thanh trừng giữa các phe phái đã làm hàng chục ngàn người chết.

Quân đội ở Irắc đã được tăng cường cả về số lượng và vũ khí, mặc dù hiện nay họ vẫn chưa thể đảm bảo an ninh hàng không, đường thủy hay biên giới cho đất nước mình. Các chính trị gia Irắc hồi tháng 8 cho biết, họ sẽ đàm phán với Oasinhtơn về việc giữ đội quân huấn luyện quân sự của Mỹ ở lại Irắc sau năm 2011. Song chưa có một cuộc đàm phán chính thức nào giữa hai bên được bắt đầu và người ta vẫn nghi ngờ việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng vì các quan chức Mỹ nhất quyết đòi Quốc hội Irắc phải thông qua việc miễn truy tố đối với binh sỹ Mỹ, trong khi một số nhà lập pháp Irắc lại muốn thấy sự ủng hộ của dân chúng đối với việc kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Irắc.

Bạo lực đã ảnh hưởng tới quá trình tái thiết đất nước Irắc. Sami al-Araji, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Quốc gia của Irắc, nói: "Năm 2003 và 2004, nếu mọi việc tiến triển như chúng tôi hy vọng thì đã có rất nhiều cải cách kinh tế diễn ra và nhiều vốn đầu tư đổ vào Irắc". Hiện Irắc đang cố gắng thu hút 86 tỷ USD vốn đầu tư của tư nhân trong giai đoạn 2010 - 2014 để xây dựng nhà, các nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác.

Tình trạng tham nhũng lan rộng cũng cản trở sự phát triển của Irắc. Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, mặc dù Bátđa đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, song tệ nạn này vẫn làm tiêu hao các khoản đầu tư, ảnh hưởng tới tăng trưởng và công ăn việc làm. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Irắc là quốc gia tham nhũng đứng hàng thứ tư thế giới.

Chính quyền Irắc cũng chưa giải quyết được cuộc tranh cãi với khu vực tự trị của người Cuốc về một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm ở trung tâm tỉnh miền bắc Kirkuk giàu dầu mỏ và là nơi có nhiều sắc tộc sinh sống. Các quan chức Mỹ và Irắc từ lâu đã xác định đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định lâu dài của Irắc.

Nhà phân tích Ali al-Saffar thuộc Bộ phận Thông tin Kinh tế (EIU) của tạp chí Nhà kinh tế (Anh) cho rằng, Irắc năm 2011 không như những gì ông đã kỳ vọng khi liên quân tiến vào nước này năm 2003. Ông nói: "Khi đó, chúng ta không nghĩ rằng sẽ có những vụ đánh bom của Al Qaeda, sẽ xảy ra cuộc chiến giữa các phe phái, và các chính trị gia - những người dường như khá thân nhau - lại tranh giành đấu đá lẫn nhau".

TTK