02:09 05/02/2015

ICAO phổ biến thông tin rủi ro bay qua vùng chiến sự

ICAO đề xuất phát triển hệ thống lưu trữ thông tin rủi ro trực tuyến đối với các chuyến bay qua vùng chiến sự và phổ biến thông tin này cho các hãng hàng không.

Trước tình trạng thảm họa hàng không liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm giảm thiểu rủi ro trong ngành hàng không dân sự, trong đó có việc hiện đại hóa bộ phận theo dõi hành trình và thiết lập hệ thống các dữ liệu về những rủi ro đối với các chuyến bay qua các vùng xung đột.

Xác máy bay MH17 được chuyển khỏi hiện trường ở làng Grabove ngày 16/11/2014. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại cuộc họp của ICAO tổ chức tại thành phố Montreal, Canada, ngày 3/2, tổ chức này đã đề xuất phát triển hệ thống lưu trữ thông tin rủi ro trực tuyến đối với các chuyến bay qua vùng chiến sự và phổ biến thông tin này cho tất cả các hãng hàng không. Kho dữ liệu này sẽ bao gồm các thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau, gồm cả tin tình báo của các nước.

Thông qua hệ thống này, các quốc gia hay các hãng hàng không có thể chính thức đưa ra cảnh báo rủi ro khi có chuyến bay qua vùng chiến sự. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của nhiều nước, đặc biệt là Hà Lan, quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga yêu cầu đề xuất này phải được đưa ra bỏ phiếu trong năm 2016 vì những rủi ro pháp lý.

Bên cạnh đó, ICAO còn đề xuất cải thiện hệ thống theo dõi hành trình của các máy bay thương mại đường dài. Theo đề xuất này, các máy bay thương mại buộc phải thông báo vị trí bay của mình cứ 15 phút/ lần. Tần xuất này sẽ tăng lên trong trường hợp khẩn cấp. Bà Nancy Graham, quan chức cấp cao của ICAO, đã hối thúc các quốc gia nhanh chóng triển khai biện pháp này, cho rằng công nghệ có sẵn hiện này hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu trên. Đề xuất này dự kiến được áp dụng từ tháng 11/2016, và nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức hàng không quốc tế, trong đó có Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không lại bày tỏ quan ngại vì chi phí lắp đặt một hệ thống tối tân như vậy rất tốn kém.

Các biện pháp nêu trên được đưa ra sau khi xảy ra loạt thảm họa hàng không trong năm 2014. Ngoài vụ máy bay MH17 nói trên, còn có vụ máy bay số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng với 239 hành khách hồi đầu tháng Ba và vụ máy bay QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia rơi trên biển Java của Indonesia khiến 162 hành khách thiệt mạng vào tháng 12.


TTXVN/Tin tức