06:14 05/06/2012

Hy Lạp vẫn đối mặt với nguy cơ ra khỏi Eurozone

Trong báo cáo đặc biệt ra ngày 5/6, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) nhận định rằng Hy Lạp vẫn phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) sau cuộc bầu cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 này.

Trong báo cáo đặc biệt ra ngày 5/6, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) nhận định rằng Hy Lạp vẫn phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) sau cuộc bầu cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 này.

 

Hy Lạp vẫn đối mặt với nguy cơ ra khỏi Eurozone. Nguồn: Internet.

 

Theo S&P, cho dù nhiều khả năng vẫn tồn tại trong Eurozone, song nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung sau cuộc tổng tuyển cử vẫn là 30%, và đây là một dự báo gây "sốc" cho cả châu Âu. Điều này liên quan tới khả năng Hy Lạp, sau cuộc bầu cử ngày 17/6, có thể bác bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cải cách mà nước này phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế chung của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện hai chính đảng được dự báo có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới đang có đường lối khác nhau. Đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ bảo vệ gói cứu trợ của EU và IMF, song lại đề xuất giảm bớt chương trình "thắt lưng buộc bụng" bằng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đảng Syriza, về thứ 2 trong cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp diễn ra hôm 6/5 vừa qua, chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế. Các nhà lãnh đạo Eurozone cho rằng Aten buộc phải rời khỏi Eurozone nếu Syriza giành thắng lợi và bác bỏ thỏa thuận cứu trợ hiện nay. Nếu kịch bản xảy ra như vậy, chắc chắn nền kinh tế Hy Lạp nói chung và tiềm lực tài chính của nước này nói riêng sẽ bị tàn phá nặng nề trong giai đoạn trung hạn, khi đó nguy cơ phá sản khó có thể tránh khỏi.

 

Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước cầu viện đến các gói trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các thị trường tài chính đang hết sức lo ngại về nguy cơ bất ổn do cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha, cũng như kết quả cuộc tổng tuyển cử lại ở Hy Lạp với khả năng nước này rời khỏi Eurozone sẽ tiếp tục đẩy thị trường tài chính châu Âu vào tình trạng bi đát. Ngày 5/6, bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty cho rằng các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương của Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Italia nên gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu để giải quyết tình hình hiện nay. Phát biểu trước báo giới, ông Jim Flaherty khẳng định sự yếu kém đáng quan tâm nhất là hệ thống ngân hàng thiếu vốn của châu Âu. Cùng với nó là các biện pháp áp dụng chưa đủ mạnh để có thể giải quyết được thực trạng về vốn ngân hàng cũng như chưa xây dựng được "bức tường lửa" để ngăn chặn khủng hoảng.

 

Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng giúp Liên minh châu Âu (EU) giải quyết những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ công gây ra. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU vừa diễn ra tại Saint Peterburg, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Eurozone, cho rằng bất kỳ sự suy thoái nào tại châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Nga, vì vậy Nga sẵn sàng giúp châu Âu giải quyết vấn đề này.

 

TTXVN/Tin tức