05:08 15/05/2012

Hy Lạp rơi vào bế tắc chính trị

Đứng trước nguy cơ không thể thành lập được một chính phủ liên hiệp vào thời hạn chót ngày 17/5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã buộc phải tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo các chính đảng ở nước này nhằm tìm cách thoát khỏi thế bế tắc.

Các thị trường thế giới bị ảnh hưởng mạnh


Đứng trước nguy cơ không thể thành lập được một chính phủ liên hiệp vào thời hạn chót ngày 17/5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã buộc phải tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo các chính đảng ở nước này nhằm tìm cách thoát khỏi thế bế tắc.


Sau 3 lần ủy thác quyền thành lập chính phủ mới lần lượt cho các đảng giành nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua (lần lượt là đảng Dân chủ mới (ND) bảo thủ, đảng Liên hiệp cánh tả cấp tiến SYRIZA và đảng PASOK theo đường lối xã hội) mà không mang lại kết quả, cuộc họp ngày 13/5 giữa Tổng thống Papoulias và lãnh đạo của 3 chính đảng này cũng lại rơi vào tình cảnh không có kết quả. Trong khi SYRIZA muốn Hy Lạp rút khỏi thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2010 thì PASOK lại ủng hộ thỏa thuận trị giá 240 tỷ euro (310 tỷ USD) này.


Cuối ngày 14/5, Tổng thống Papoulias lại một lần nữa cố gắng tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các đảng SYRIZA, ND, PASOK và đảng Dân chủ cánh tả (được đánh giá có khả năng tham gia chính phủ liên hiệp với các đảng bảo thủ và xã hội). Tuy nhiên, lãnh đạo SYRIZA, ông Alexis Tsipras tuyên bố không tham dự cuộc họp này.


 

Tổng thống Papoulias (giữa) và lãnh đạo các chính đảng trong cuộc họp ngày 13/5. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Nhìn chung, dư luận Hy Lạp không đặt nhiều hy vọng vào các cuộc họp của Tổng thống Papoulias với lãnh đạo các chính đảng Hy Lạp. Ông Fotis Kouvelis, lãnh đạo đảng Dân chủ cánh tả, cho rằng không có cơ hội cho một chính phủ liên hiệp ra đời. Giới truyền thông Hy Lạp cũng cho rằng nước này gần như chắc chắn sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử trước hạn do không thành lập được chính phủ liên hiệp vào thời hạn chót 17/5.


Nếu Hy Lạp không thành lập được chính phủ mới muộn nhất vào ngày 17/5, thời điểm Quốc hội mới triệu tập phiên họp đầu tiên, thì nước này phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng sau đó. Hiến pháp Hy Lạp quy định trong trường hợp này, Tổng thống Papoulias có quyền chỉ định những người giữ chức chủ tịch Tòa án Tối cao, Hội đồng Nhà nước hoặc Tòa án Kiểm toán làm thủ tướng chính phủ tạm quyền để điều hành đất nước cho đến ngày tổng tuyển cử trước thời hạn.
Theo các nhà quan sát, bế tắc chính trị đang làm gia tăng sức ép đối với Hy Lạp trong bối cảnh các định chế cho vay quốc tế tuyên bố sẽ không giải ngân thêm bất kỳ khoản nào trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (168 tỷ USD) dành cho Hy Lạp nếu Aten không thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết giúp nền kinh tế phát triển đúng hướng. Trong khi đó, báo chí địa phương đưa tin, Hy Lạp chỉ có đủ tiền để trả lương và lương hưu cho đến cuối tháng 6 tới.


Thế bế tắc chính trị tại Hy Lạp đã tác động mạnh đến các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới. Mối lo Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) là một trong những nguyên nhân chính gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới phiên 14/5, khiến giá chứng khoán các khu vực đều giảm mạnh. Hãng tin Reuters cho biết, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu lúc 22 giờ 30 (giờ VN) giảm mạnh 1,2%, xuống 311,2 điểm; chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu cũng giảm 1,7%, sau khi đã tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm là 998,93 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011; ba chỉ số chủ chốt của Mỹ là Nasdaq, S&P 500 và Dow Jones cũng giảm 0,54% - 0,70%. Trước đó, kết thúc phiên 14/5, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm tới 0,6%, xuống gần mức thấp nhất trong 4 tháng qua.


Lo ngại về triển vọng của Hy Lạp đã khiến các nhà đầu tư quyết định giảm bớt việc nắm giữ các tài sản rủi ro, kéo theo việc đồng euro chịu sức ép trong phiên giao dịch ngày 14/5. Trên thị trường tiền tệ New York lúc 22 giờ 30 (giờ VN), tỉ giá euro/USD giảm 0,57%, xuống 1 euro đổi 1,2841 USD. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong những tuần tới, đồng euro có thể tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay là 1,2623 USD, thậm chí xuống dưới ngưỡng 1,2 USD.


Cùng với lời kêu gọi hạ giá dầu thô của Arập Xêút, mối lo về tình hình Hy Lạp và rộng hơn là Eurozone cũng đã đẩy giá “vàng đen” giảm mạnh trong phiên 14/5. Lúc 22 giờ 30 ở thị trường New York, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 1,26 USD, xuống 111 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ giao cùng kỳ giảm 1,59 USD, xuống 94,54 USD/thùng.

 

Minh Hải