12:10 04/12/2012

Hy Lạp mua lại nợ từ khu vực tư nhân

Chính phủ Hy Lạp ngày 3/12 bắt đầu nỗ lực mua lại nợ từ khu vực tư nhân, một trong những điều kiện Aten cần đáp ứng để được giải ngân phần cứu trợ trị giá 43,7 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công đang cận kề.

Chính phủ Hy Lạp ngày 3/12 bắt đầu nỗ lực mua lại nợ từ khu vực tư nhân, một trong những điều kiện Aten cần đáp ứng để được giải ngân phần cứu trợ trị giá 43,7 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công đang cận kề.

 

Kế hoạch mua lại nợ liên quan đến khối lượng trái phiếu chính phủ lên tới 62,3 tỷ euro. Bên mua sẽ được hưởng mức chiết khấu cao tương đương 32-40% giá trị trái phiếu, dưới hình thức các hóa đơn thanh toán trong vòng 6 tháng do Quỹ cứu trợ ngắn hạn (EFSF) của EU cấp. Cơ quan quản lý nợ quốc gia Hy Lạp (PDMA) cho biết sẽ đề nghị mua lại nợ từ khu vực tư nhân trên cơ sở tự nguyện.

 

Kế hoạch mua lại nợ liên quan đến khối lượng trái phiếu chính phủ lên tới 62,3 tỷ euro. Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh kinh tế Hy Lạp sa sút, các chủ nợ thuộc khu vực tư nhân nước này tháng Ba vừa qua nhất trí xóa 107 tỷ euro nợ trái phiếu cho Chính phủ, với hy vọng Aten có thể giảm "núi" nợ công, được dự báo lên tới 190% GDP vào năm tới, xuống 124% vào năm 2020. IMF cũng từng tuyên bố sẽ chờ đến khi Aten thực hiện thành công việc mua lại nợ công mới đồng ý giải ngân số tiền cứu trợ tối cần thiết nói trên cho Hy Lạp.

 

* Trong một diễn biến khác, ít nhất 12 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 3/12 giữa cảnh sát và người biểu tình ở thành phố Maribor của Xlôvênia. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 40 đối tượng khi họ bị các phần tử quá khích này ném pháo hoa và đá vào người.

 

Gia nhập Khu vực đồng euro từ năm 2007, Xlôvênia đang trải qua thời kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi ngày càng nhiều ngân hàng phải gánh những khoản nợ khó đòi. Chính phủ nước này đang phải vật lộn nhằm tránh nguy cơ cầu viện cứu trợ vỡ nợ từ bên ngoài thông qua các biện pháp như giảm lương trong khu vực nhà nước, giảm phúc lợi xã hội, tăng tuổi về hưu, giảm chi tiêu cho giáo dục và y tế. Các biện pháp này đã vấp phải sự phản đối của người dân, là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối qui mô lớn ở thủ đô Ljubljana trong vài ngày qua. Cuộc biểu tình ở Maribo thu hút sự tham gia của khoảng 6.000 người.

 

 

TTXVN/Tin tức