06:05 29/06/2011

Hy Lạp làm sao thoát nợ ?

Quốc gia ngập trong nợ nần Hy Lạp sẽ lại được cứu lần nữa hoặc sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị vỡ nợ, điều này sẽ được quyết định tại hội nghị bất thường của các bộ trưởng tài chính Eurozone họp trong ngày 3/7 tại Brúcxen (Bỉ)...

Quốc gia ngập trong nợ nần Hy Lạp sẽ lại được cứu lần nữa hoặc sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị vỡ nợ, điều này sẽ được quyết định tại hội nghị bất thường của các bộ trưởng tài chính Eurozone họp trong ngày 3/7 tại Brúcxen (Bỉ). Tuy vậy, các bộ trưởng quyết định thế nào lại tùy thuộc vào việc Hy Lạp có thông qua được chính sách khắc khổ trước thời gian đó hay không.

“Tối hậu thư” chính sách khắc khổ

Nợ công của Hy Lạp trở thành vấn đề nóng bỏng ở châu lục già nhiều tháng nay sau khi nước này thông báo đang gánh “núi” nợ công 350 tỉ euro và sẽ vỡ nợ nếu không được giải ngân tiếp 12 tỉ euro trong gói cứu trợ 110 tỉ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cấp cho Hy Lạp hồi năm ngoái. Eurozone lo ngại mắt xích Hy Lạp bung ra sẽ kéo theo sự đứt gãy ở những mắt xích khác yếu hơn trong khối như Ailen, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Tây Ban Nha.

Tổng bãi công tại thủ đô Aten, Hy Lạp phản đối chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới của chính phủ. Ảnh: AFP-TTXVN

Liên tiếp tại các cuộc họp cấp lớn nhỏ của khối, vấn đề giải cứu Hy Lạp được đưa ra thảo luận. Gần đây nhất, Hy Lạp đã nhận được “tối hậu thư” của khối là phải thông qua được chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm tiết kiệm hơn 28 tỉ euro cho đến năm 2015 trước khi nhận được khoản cứu trợ tiếp theo. Thực hiện chính sách khắc khổ cũng là điều kiện mà IMF đặt ra với Hy Lạp để tiếp tục cứu trợ.

Vấn đề là chính sách tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công ngặt nghèo đó không nhận được sự đồng thuận của chính giới cũng như người dân Hy Lạp. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra tại Hy Lạp thời gian gần đây để phản đối các biện pháp của chính phủ. Trước khi gói biện pháp thắt lưng buộc bụng này được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 29/6, phe đối lập vẫn phản đối lời kêu gọi của giới chức Hy Lạp, EU và IMF về sự đoàn kết dân tộc để gói biện pháp mới được thông qua suôn sẻ. Chủ tịch đảng Dân chủ Mới Antoni Samaras thậm chí chỉ trích những biện pháp khắc khổ mới chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Một số nghị sĩ đã rút khỏi đảng cầm quyền PASOK của Thủ tướng George Papandreu trong 13 tháng qua có dấu hiệu ủng hộ đề xuất mới của chính phủ, nhưng tuyên bố chỉ đưa ra quyết định vào phút chót.

Lối thoát nào cho Hy Lạp

Không ít chuyên gia nhận định rằng kể cả với kịch bản tốt đẹp nhất là Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp khắc khổ, nguy cơ nước này bị vỡ nợ chỉ là lùi thêm vài tháng chứ không phải sẽ rũ bỏ được hẳn bóng ma nợ công. Từ hơn một năm trước, khi Hy Lạp bắt đầu nhận được cứu trợ từ EU-IMF cũng là lúc họ bắt đầu thực hiện những biện pháp cắt giảm chi tiêu, song thực tế là nền kinh tế nước này vẫn trì trệ mà minh chứng cụ thể nhất là khoản nợ công hiện đã lên tới 350 tỉ euro. Trong nỗ lực vừa để trấn an sự bức xúc của dư luận vừa để lấy lòng tin của các nhà tài trợ quốc tế, Thủ tướng Papandreu đã thực hiện cải tổ nội các và thay thế Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou, kiến trúc sư của chương trình thắt lưng buộc bụng không được lòng dân. Người thì đã thay song kế sách của người đó thì vẫn phải dùng đủ cho thấy lúc này chính phủ Hy Lạp chưa tìm được phương án tốt hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng tại sao Hy Lạp không đi theo con đường của Áchentina. Vào những năm đầu của thế kỷ 21, quốc gia Nam Mỹ này từng rơi vào cuộc khủng hoảng nợ và phải cầu cứu IMF. Song, những điều kiện ngặt nghèo mà định chế tài chính này đưa ra để đổi lại gói cứu trợ không được người dân Áchentina ủng hộ, dẫn tới các cuộc biểu tình và bạo loạn rầm rộ. Kết cục, Áchentina đã chọn không bám vào chiếc phao IMF nữa mà tìm cách tái cơ cấu nợ. Các chuyên gia nhận định tái cơ cấu nợ có thể mang đến những vết thương kinh tế mà vì thế các chính trị gia rất miễn cưỡng bấm nút “vỡ nợ”, song là điều kiện cần thiết để các nền kinh tế vỡ nợ hồi phục, như Áchentina đã làm kể từ giữa năm 2002 mà không cần sự trợ giúp của IMF.

Nhưng cũng có thể thấy Hy Lạp khó tự quyết được hướng đi của mình như Áchentina bởi họ nằm trong thực thể tài chính Eurozone. Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp không chỉ ảnh hưởng tới toàn khối mà như Mỹ đánh giá còn tác động tới thế giới và nền kinh tế Mỹ. Trong một tuyên bố ngày 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nói ông theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng này bởi nếu trong tương lai Hy Lạp không thể thanh toán được một phần nợ của mình thì nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những tác động đáng kể do những căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế.

Bà Sheila Bair, Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Mỹ FDIC, một trong những tổ chức chịu trách nhiệm điều tiết hệ thống ngân hàng Mỹ, tỏ thái độ bi quan khi tuyên bố rằng có thể cần phải cơ cấu lại nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, đây chính là điều mà châu Âu lo sợ nhất bởi hậu quả tức thời của việc làm này là Aten không nhận được tài trợ của IMF, trong khi một mình châu Âu không cáng đáng nổi gánh nặng tài chính Hy Lạp.

Giới chức Eurozone, mà đi đầu là Đức và Pháp, đang tìm mọi cách để cứu Hy Lạp, như tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy rằng “sẽ không để Hy Lạp sụp đổ, sẽ bảo vệ Eurozone bằng mọi giá”. Hiện Pháp đang soạn thảo một kế hoạch cho phép Hy Lạp kéo dài thời gian trả nợ tới 30 năm. Lời kêu gọi của Đức huy động sự tham gia của các tổ chức tư nhân trong cuộc giải cứu Hy Lạp bắt đầu nhận được hưởng ứng khi một loạt ngân hàng tư nhân mạnh đã có cuộc gặp với giới chức Eurozone tại Rôma (Italia) ngày 27/6 để bàn cách thức. Quốc gia của những vị thần trên đỉnh Olympia có thể một lần nữa thoát vỡ nợ trước mắt song về lâu dài, nếu họ không có những giải pháp mạnh mẽ hơn và mạnh dạn dứt bỏ phụ thuộc, nguy cơ đánh mất mình của Hy Lạp sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết.

Đỗ Sinh