10:14 07/10/2011

Hy Lạp không đủ sức "thắt lưng buộc bụng" thêm nữa

Vốn đã bị lún vào suy thoái, với hơn 16% lực lượng lao động bị lâm vào cảnh thất nghiệp, liệu Hy Lạp còn có khả năng gánh chịu thêm nhiều biện pháp khắc khổ nữa để được châu Âu cứu giúp hay không?


 Vốn đã bị lún vào suy thoái, với hơn 16% lực lượng lao động bị lâm vào cảnh thất nghiệp, liệu Hy Lạp còn có khả năng gánh chịu thêm nhiều biện pháp khắc khổ nữa để được châu Âu cứu giúp hay không? Đối với bộ ba Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), câu trả lời là “có”, bất chấp khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Hy Lạp đã hoàn toàn đuối sức, không thể bắt họ hy sinh hơn nữa.

Thông điệp của bộ ba tài trợ cho Hy Lạp gửi đến chính quyền Athen rất rõ: Nếu muốn nhận được khoản tín dụng 8 tỷ euro và tránh phá sản, Hy Lạp phải có thêm nhiều cố gắng hơn nữa. Và để Athens hiểu rõ thông điệp này, cuộc họp dự trù vào ngày 13/10/2011 để bàn việc giải ngân tín dụng cho Hy Lạp đã bị dời qua một thời điểm khác để chờ xem nước này đáp ứng các điều kiện ra sao. Đòi hỏi trên đã bị người dân Hy Lạp ồ ạt phản đối, với các cuộc biểu tình, đình công chống chương trình khắc khổ kinh tế liên tục diễn ra. Không những thế, ngay cả một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Hy Lạp đã kiệt sức, không thể nào tằn tiện thêm được nữa. Trả lời nhật báo Pháp "Le Monde" ngày 5/10, bà Natacha Valla, một nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Goldman Sachs nhận định: “Ép Hy Lạp thắt lưng buộc bụng thêm vào lúc này là phi lý”.

Kể từ giữa năm 2010, để đổi lấy gói hỗ trợ tài chính thứ nhất lên đến 110 tỷ euro, kèm theo lời hứa về một gói cứu viện thứ hai trị giá 160 tỷ euro khác, chính quyền Athen đã áp đặt một liệu pháp quyết liệt, đó là tiết kiệm chi tiêu 28 tỷ euro để từ nay đến năm 2015 có thể giảm 12 điểm phần trăm trong tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP. Mục tiêu là có tiền thanh toán món nợ 350 tỷ euro đang bóp nghẹt Hy Lạp và làm lành mạnh hóa nền tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này. Vấn đề là Nhà nước Hy Lạp, vốn nổi tiếng là quản lý ngân sách lỏng lẻo, đã không được thực hiện được nghĩa vụ của mình. Thâm hụt ngân sách trong năm 2011, thay vì phải hạ xuống còn 7,4% GDP thì lại ở mức 8,5% GDP. Kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh cũng ì ạch. Trong số 50 tỷ euro tài sản công dự trù bán ra từ nay đến năm 2015, đến cuối tháng 9, chỉ 1,7 tỷ là đã được thực hiện.

Những điều kiện khắc nghiệt mà Hy Lạp bị buộc phải thực hiện cho đến nay là các đòi hỏi khắt khe chưa từng thấy trong khu vực đồng euro, đã kéo nước này vào vòng xoáy suy thoái nặng nề hơn dự kiến. GDP của Hy Lạp mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế từng dự báo sẽ giảm 3,5% trong năm 2011, trong thực tế có thể giảm đến 5,5%, theo ước tính mới của Chính phủ Hy Lạp. Thậm chí, theo các chuyên gia thuộc Ngân hàng Barclays, mức giảm còn năng nề hơn, tới 5,8%. Hệ quả của tình trạng này là thay vì giảm bớt, các khoản nợ của Hy Lạp lại bị phình lên. Từ mức 127% GDP trong năm 2009, nợ của Hy Lạp đã tăng lên 143% GDP năm 2010 và dự kiến sẽ vượt quá mức 160% GDP năm 2011.

Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Giới phân tích nhìn thấy hai lý do: Trước hết là môi trường kinh tế quốc tế khó khăn và kế đến là các yếu kém nội tại của Hy Lạp. Vào lúc chính quyền thực hiện chính sách khắc khổ, mức tiêu thụ của người Hy Lạp đã tuột dốc, quá mạnh và quá nhanh. Tiền lương đã sụt giảm (với tỷ lệ 40% đối với một số công chức), trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng đều từ tháng này qua tháng khác. Từ 7,2% vào cuối năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp đã vượt mức 16% vào tháng 6/2011. Kinh tế đình đốn, tiền thuế thu về bị sụp hẳn, trong khi chi phí xã hội, như bảo hiểm thất nghiệp lại tăng lên. Theo các chuyên gia kinh tế, để phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay, các nhà tài trợ cho Hy Lạp chỉ có hai lựa chọn: hoặc là cho Hy Lạp thêm thì giờ để chấn chỉnh, hoặc là xóa bỏ một phần nợ.
TTXVN