02:11 11/02/2012

Hy Lạp chưa nhận được gói cứu trợ thứ hai

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong cuộc họp ngày 10/2 tại Brúcxen (Bỉ) vẫn chưa có quyết định về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp vì cho rằng Aten cần phải đáp ứng một số điều kiện trước khi được nhận thêm cứu trợ.

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong cuộc họp ngày 10/2 tại Brúcxen (Bỉ) vẫn chưa có quyết định về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp vì cho rằng Aten cần phải đáp ứng một số điều kiện trước khi được nhận thêm cứu trợ.

Biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Aten ngày 10/2 phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ba điều kiện cho Hy Lạp

Những đòi hỏi mà các nước đối tác trong khu vực đặt ra cho Hy Lạp là: Sự phê chuẩn của quốc hội nước này tại cuộc họp ngày 12/2 đối với các biện pháp khắc khổ mà các đảng vừa nhất trí; việc cắt giảm chi tiêu về cơ cấu thêm 325 triệu euro trong năm nay và sự cam kết bằng văn bản của các đảng rằng các biện pháp khắc khổ sẽ được thực thi. Nếu tất cả những điều kiện này được đáp ứng, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ có cuộc họp vào ngày 15/2 để đưa ra quyết định về gói cứu trợ.

Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jean-Claude Juncker, nêu rõ: “Mặc dù các chính đảng tại Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận về những biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ, song chúng tôi vẫn chưa thấy đủ tất cả các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định ngay lập tức”.
Vài giờ trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, giới lãnh đạo chính trị Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ tài chính có tầm quan trọng sống còn trị giá 130 tỷ euro đối với Aten.

Lựa chọn khó khăn của Aten

Rời khỏi cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizolos tuyên bố nước này đang đứng trước một lựa chọn khó khăn là tiếp tục ở lại hay ra khỏi liên minh tiền tệ.

Ông Venizolos cho rằng nếu muốn Hy Lạp vẫn ở trong Eurozone thì cần phải thông qua các biện pháp khắc khổ và kịp thời hoàn tất thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân trước khi đến hạn thanh toán 14,5 tỷ euro nợ vào ngày 20/3/2012.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 10/2 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1% và tin tưởng các bên sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề nợ ở Hy Lạp - nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cùng ngày thông báo ngân hàng này sẽ mở cửa gián tiếp giúp Aten, theo đó có thể chuyển lợi nhuận từ các trái phiếu của Hy Lạp cho các nước Eurozone để có thể huy động tới 12 tỷ euro hoặc hơn nữa nhằm giúp nước này. Theo ông Draghi, kế hoạch này nhằm giúp Aten giảm số nợ hiện ước tính tương đương 160% GDP xuống còn 120% GDP vào năm 2020.

ECB đồng thời nhận định đã có một số dấu hiệu mong manh về sự ổn định của hoạt động kinh tế trong Eurozone và nền kinh tế khu vực này có thể khôi phục dần trong năm 2012. Tuy nhiên, Chủ tịch Draghi cảnh báo “sự bất ổn vẫn tiếp diễn trong thời gian tới”.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn chính ở Hy Lạp ngày 10/2 đã kêu gọi tiến hành tổng đình công 48 giờ trong hai ngày 10 và 11/2 để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới mà liên minh các đảng trong chính phủ vừa đạt được nhằm giành gói cứu trợ tiếp theo từ EU và IMF.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới ngày 10/2 và đồng euro đã giảm giá mạnh do việc hoãn gói cứu trợ cho Hy Lạp, trong đó chỉ số CK tại Hy Lạp giảm 3,3%, CAC 40 của Pháp giảm 1,4% xuống 3.379 điểm.

Thu Hằng - Hồng Hạnh