12:22 18/12/2012

Huyền thoại về cỗ máy quân sự La Mã - Kỳ 1: Người lính và chiến binh

Trong quá khứ, quân đội La Mã thường được mô tả như một “cỗ máy quân sự”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu La Mã Ross Cowan, những lính lê dương La Mã này lại hung bạo như những thành viên của bộ lạc… man rợ nhất.

Trong quá khứ, quân đội La Mã thường được mô tả như một “cỗ máy quân sự”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu La Mã Ross Cowan, những lính lê dương La Mã này lại hung bạo như những thành viên của bộ lạc… man rợ nhất. Các nghiên cứu cho thấy những người lính lê dương La Mã không phải là những cỗ máy và chỉ trong nháy mắt, từ những người lính có kỷ luật, họ có thể trở thành những chiến binh đầy bản năng. Thiên hướng chiến đấu độc lập của đội quân La Mã, cùng số lần hành động vô kỷ luật không phải là hiếm, cũng như nhiều lần hành xử hung hăng đã cho thấy những tố chất chiến binh sẵn có trong họ, đồng thời làm nên những chiến thắng rực rỡ.

 

Kỳ 1: Người lính và chiến binh

 

Theo các nghiên cứu hiện đại, tổ chức phức tạp và tinh vi của quân đội La Mã, với vô số cấp bậc và chức năng được chuyên biệt hóa, cùng sự huấn luyện khắt khe, và trên hết là những thành công trong các cuộc chiến, đã khiến họ luôn được mô tả như là một “cỗ máy quân sự”. Họ được xem như là tiền thân của các lực lượng quân đội thường trực hiện đại, trong đó những binh lính của Đế chế La Mã, đặc biệt là những lính lê dương, được coi là những người lính chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới.


 

Phù điêu mô tả những người lính lê dương trong trận Sarcophagus năm 190 sau Công nguyên.

 

Người La Mã thường gọi quân đội của họ là “exercitus”. Nghĩa gốc của từ Latinh này là “rèn luyện” và nó được dùng để nhấn mạnh rằng người La Mã cực kỳ chú trọng tới công tác huấn luyện và tính kỷ luật. Nơi thao trường, đội quân này tôn thờ cả hai nữ thần Disciplina lẫn Campestres, song những người lính lê dương lại thường không phục tùng một cách máy móc như vậy.


Trong quân đội, tính kỷ luật tất nhiên là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong lịch sử trường kỳ của quân đội La Mã, những người lính - cả người La Mã gốc hay người Italia, dân tỉnh lẻ hay “bọn mọi rợ” ngoài tiền tuyến - đều được khích lệ giành được “virtus” để khuếch trương tên tuổi của họ. Được biết đến là từ ngữ chỉ phẩm chất can trường, xuất sắc và trên hết là lòng dũng cảm của một chiến binh, “virtus” đã trở thành niềm khát khao của những người lính và giúp các tướng lĩnh chỉ huy dễ dàng triển khai các đội hình tác chiến. Song chỉ khi lâm trận và ngoài tầm chỉ huy, kiểm soát của giới tướng lĩnh, phẩm chất “virtus” mới thực sự trỗi dậy. Do đó, có thể khẳng định rằng chính những hành động cá nhân của đội quân lính lê dương này mới quyết định kết quả thắng bại của cả trận đánh.


 

Phẩm chất “virtus” của cá nhân lính lê dương La Mã mới quyết định kết quả thắng bại của cả trận đánh.

Những người lính lê dương được bố trí, tổ chức thành các đơn vị chiến thuật gọi là trung đội hoặc đại đội bộ binh (từ 60 - 120 người). Nhiều lúc, những người lính lê dương này chiến đấu kề vai, sát cánh cùng nhau, tạo ra một khối sức mạnh và tập thể đoàn kết, tấn công thọc sâu vào hàng ngũ quân địch. Có những lúc, họ kéo dãn đội hình, mỗi người lính cách nhau khoảng 2 mét, chiến đấu độc lập nhưng vẫn hỗ trợ được cho nhau. Đôi khi, người lính lê dương chiến đấu hoàn toàn đơn độc, xoay chuyển và đối phó với kẻ thù từ mọi hướng. Vũ khí và trang bị thiết yếu của người lính lê dương là lao hoặc giáo. Kiếm và khiên che từ vai xuống chân có thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu theo nhóm hoặc độc lập tác chiến.


Theo giới phân tích, một người lính La Mã khi tham chiến là sự kết hợp ghê gớm, đầy thăng hoa và hòa hợp những phẩm chất ưu tú giữa binh sĩ với chiến binh. Dưới sự chỉ đạo tài tình và khắt khe của các chuyên gia quân sự, các binh lính La Mã có tính kỷ luật cao này sẽ cùng nhau chiến đấu vì mục tiêu chung, song khi có cơ hội, quân đội La Mã cho phép các chiến binh vùng lên và thỏa mãn khát khao giành thắng lợi cá nhân của họ.


 

Tượng một sỹ quan chỉ huy đơn vị cấp 100 lính của Caesar.

Từng là tù nhân chính trị ở Rôma hồi giữa thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, sỹ quan kỵ binh và cũng là nhà sử học người Hy Lạp, ông Polybius khẳng định rằng, sự kết hợp giữa phẩm chất binh lính với chiến binh đầy hiệu quả này đã khiến người La Mã gần như bất khả chiến bại. Ngoài ra, Sallust, một sỹ quan chỉ huy của Hoàng đế Julius Caesar, cũng đã viết về việc virtus chi phối đội quân La Mã như thế nào và nó khiến họ trở nên can trường, dũng cảm và cạnh tranh dữ dội ra sao. Tuy nhiên, virtus còn khiến họ trở nên bất trị và không thể kiểm soát được.


Trong trận Thapsus (năm 46 trước Công nguyên), đội quân lê dương của Julius Caesar đã tỏ ra mất bình tĩnh, nôn nóng khi Hoàng đế chưa thể ra lệnh tấn công. Những người lính lê dương liền bắt một lính kèn ở tít cuối hàng ngũ phải thổi hiệu lệnh tấn công. Trong trận này, chính các sỹ quan chỉ huy mới là những người bị khiển trách do thiếu can đảm khi có hành động ngăn cản những người lính lê dương tấn công quân địch.


Trong khi đó, Hoàng đế Caesar lại tỏ ra không mấy bất ngờ trước sự bất tuân lệnh này của đám lính lê dương, ông lập tức bắt lính kèn của mình thổi điệu “chúc may mắn” và tự mình xông thẳng vào trận chiến. Sau đó, quân địch bị đánh bại tan tác, tướng lĩnh La Mã ra lệnh rút quân, song những binh lính “cuồng chiến” của Caesar đã phớt lờ những chỉ thị này, tiếp tục truy kích và tàn sát ngay cả những kẻ địch muốn đầu hàng.


Một sự kiện tương tự cũng đã xảy ra vào năm 68 sau Công nguyên. Tại Vesontio, trong cuộc thương lượng giữa tướng La Mã Verginius Rufus với thủ lĩnh Vindex của phiến quân xứ Gaul, những người lính lê dương thuộc Quân đoàn sông Rhine đã phá vỡ thỏa thuận đình chiến và xông thẳng vào tấn công lực lượng phiến quân trên.


Hai năm sau, trong cuộc vây hãm Jerusalem, những người lính lê dương đã phớt lờ các mệnh lệnh, chỉ thị rõ ràng từ tướng chỉ huy Titus, người sau này lên làm Hoàng đế La Mã, đã cố ý đốt Đền thánh Jerusalem của người Do Thái tại đây. Josephus, chỉ huy phiến quân Do Thái và cũng là nhà sử học, mô tả rằng những người lính La Mã đã trở nên khó kiểm soát: “Chẳng có tín ngưỡng hay mối đe dọa nào có thể ngăn được hành vi bạo lực của họ”.


LAT

 

Đón đọc kỳ 2: Tình đồng chí