11:23 12/11/2012

Hướng thoát nghèo ở huyện miền núi Bác Ái

Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, bộ mặt nông thôn của huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) đã dần khởi sắc, đời sống của đồng bào từng bước được nâng cao. Thành quả có được là nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, bộ mặt nông thôn của huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) đã dần khởi sắc, đời sống của đồng bào từng bước được nâng cao. Thành quả có được là nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.


 

Niềm vui thu hoạch lúa của đồng bào ở Phước Trung.

 

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Bác Ái đã xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng lấy sản xuất hàng hóa là then chốt, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần cải thiện đời sống đồng bào, hướng đến xóa nghèo bền vững.


Huyện có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, nhận thức của đồng bào chưa cao, nhất là việc trồng cây gì, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn còn là chuyện mới mẻ. Để đồng bào bỏ đi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến xóa nghèo, nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao như: trồng lúa nước, bắp lai, cao su, cây lâm nghiệp, cây ăn trái... đã được huyện triển khai đến hộ dân ở 9/9 xã của huyện.


Các mô hình được triển khai thực hiện không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào trong sản xuất. Nhờ đó, số hộ nghèo của toàn huyện đã giảm xuống còn khoảng 55%.


Ông Lê Văn Việt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái cho biết: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của địa phương, đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn với hơn 5.000 ha, 6 công trình thủy lợi lớn, nhỏ được Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, đã và đang hoàn thành phục vụ tưới tiêu - đó chính là lợi thế lớn để Bác Ái chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách phù hợp.


Từ nguồn vốn gần 2,7 tỷ đồng của chương trình 135, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương của 9 xã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới như: trồng lúa nước, bắp lai ở các xã Phước Trung, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Thành, Phước Đại, Phước Hòa; trồng cây ăn trái ở Phước Bình và đang trồng cây cao su, cây lâm nghiệp ở các xã Phước Chính, Phước Thành. Với sự đầu tư 100% về giống, vật tư, phân bón, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, đồng bào vô cùng phấn khởi bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, điển hình như mô hình trồng lúa nước, trồng bắp lai, cây ăn trái.


100 hộ đồng bào Raglai của xã Phước Trung (Bác Ái) đã tham gia mô hình trồng lúa nước, vô cùng phấn khởi vì năng suất lúa đã tăng lên hơn gấp đôi, từ 6,5 đến 7 tấn/ha, so với canh tác theo tập quán trước đây chỉ có 2 đến 3 tấn/ha. Ông Chamaléa Hơ, ở thôn Dã Giữa, xã Phước Trung, vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có 1,6 ha đất, không biết làm lúa nước thế nào, chỉ trồng thả một số cây như ngô, vừng, đậu..., thu hoạch thấp, bán không đủ trả nợ tiền mua giống.


Khi huyện đưa về mô hình lúa nước, chỉ dẫn cách làm, tôi đã vay mượn tiền san ủi đất, chuyển sang làm lúa nước; vừa thu hoạch xong, năng suất đạt 7 tấn/ha”. Ông Chamaléa Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung, cho biết: Trước đây Phước Trung nghèo lắm, số hộ nghèo chiếm trên 60%. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm hồ chứa nước, nhiều mô hình đưa về đã làm thay đổi đời sống đồng bào, hộ nghèo toàn xã giờ chỉ còn 40%, thấp nhất so với các xã khác trong huyện.


Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái như trồng cây chuối, cây sầu riêng... ở địa phương vùng cao Phước Bình, huyện Bác Ái, ông Pinăng Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phước Bình phấn khởi cho biết: Nếu không có mô hình trồng cây ăn trái đưa về thực hiện tại địa phương, thì đồng bào Raglai ở Phước Bình chỉ biết sống dựa vào rừng.


Nhờ những mô hình này, đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao. Hiện ở Phước Bình đã triển khai trồng hơn 60 ha cây chuối, nâng tổng diện tích trồng chuối toàn xã lên hơn 160 ha. Không chỉ vậy, mô hình trồng bắp lai, trồng cây ăn trái... cũng đã được trồng với diện tích hơn một chục ha, đang trong giai đoạn thu hoạch. Với hiệu quả mang lại, đồng bào nơi đây đã thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của mình. Cứ mỗi vụ, diện tích canh tác lại tiếp tục tăng lên. Đây là dấu hiệu đáng mừng để Phước Bình vươn lên thoát nghèo bền vững.


Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, trực tiếp hỗ trợ và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về tận tay người dân, thực hiện hàng loạt các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch cụ thể vùng sản xuất nông, lâm nghiệp của từng địa phương, để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Bác Ái.

 


Bài và ảnh: Công Thử