12:10 06/12/2012

“Hương đời vấn vương”

Tôi bay vào hành tinh thơ Trương Kim Bằng vào một cuối thu se lạnh năm Nhâm Thìn. Vừa bay vào đã thấy đắm chìm trong một mơ hồ hư thực. Ở đấy, cái thực lẫn vào cái hư, cái hư lẫn sang cái thực. Hình như đấy là lời tuyên ngôn thầm kín của người thơ...

Tác giả: Trương Kim Bằng


Nhà xuất bản Văn học và Liên Việt


Tôi bay vào hành tinh thơ Trương Kim Bằng vào một cuối thu se lạnh năm Nhâm Thìn. Vừa bay vào đã thấy đắm chìm trong một mơ hồ hư thực. Ở đấy, cái thực lẫn vào cái hư, cái hư lẫn sang cái thực. Hình như đấy là lời tuyên ngôn thầm kín của người thơ: “Ngắm trăng lại tưởng làm thơ/ Làm thơ lai láng lại ngờ trăng soi”. Phải chăng cái lẫn này chính là cái đích của thơ muôn đời. Thật mà ảo. Ảo mà thật. Ai đạt được sự lẫn này mới mong là chân truyền của các thi bá, mới là người tình thật của nàng thơ: “Lúc tỉnh mộng, vội ôm choàng/ Mơ màng chẳng rõ là nàng hay thơ”.


Bên cạnh quan niệm thơ, Trương Kim Bằng lại bày tỏ qua thơ, tư tưởng thẩm mỹ của mình: “Biết nhìn, bao cảnh thành tranh/ Biết yêu, người hóa long lanh thiên thần”. Hơn cả sự biết nhìn và biết yêu chính là khoảng cách trước cái đẹp. Lùi cũng thua, mà tiến cũng thua. Chỉ có giữ đúng “khoảng cách vàng” thì mới nhận ra cái đẹp vĩnh cửu: “Ai đời dí mũi ngắm tranh/ Đẹp đâu chẳng thấy, thấy tanh tanh chất màu/ Hãy lùi vài bước về sau: Đất trời sống động muôn màu lung linh”. Và cứ thế, với cái lẫn ấy, với “khoảng cách vàng” ấy, người thơ đã dắt ta vào hành tinh thơ của ông. Đấy là một hành tinh “vấn vương hát thành thơ”.


Thực ra cái vấn vương ở Trương Kim Bằng cũng là những vấn vương thường nhật của người với người, với đời. Nhưng đấy là vấn vương rất riêng của người thơ này. Vấn vương về mẹ, Trương Kim Bằng có một mảnh dệt thật độc đáo: "Hai bức chân dung mẹ tặng con/ Hài thời vận, một cõi tâm hồn/ Thuở bình yên, nõn nà, vàng ngọc/ Thời bể dâu, còm cõi, trắng trơn/ Hai cuộc đạn bom, tan nghiệp nát/ Một đàn con cháu, nghiến vai mòn/ Còng lưng, bạc tóc trong thăng giáng/ Vẫn mắt cười, ngời ánh sắt son". (Chân dung mẹ).


Kỳ lạ hơn, một người mẹ có chĩnh gạo “Thạch Sanh”. Cái yêu thương ẩn sau hương thơm làng mạc, tiềm ẩn vô tận: "Mẹ có chĩnh gạo thần kỳ/ Ủ na, ươm chuối, thứ gì cũng thơm/ Con xa nhà, chĩnh lặng buồn/ Con về khấp khởi, chĩnh luôn vơi đầy". (Chĩnh gạo của mẹ).


Da diết nhất là nỗi vấn vương về người anh họa sĩ hy sinh ở chiến trường miền Nam. Bài thơ “Đón tranh về” là một bài thơ viết về liệt sĩ vừa dung dị, vừa cao quý. Còn gì đau buồn hơn khi thân xác người lính đã “vùi cát bụi, cỏ sương nơi nào?”, nhưng cũng còn gì thiêng liêng hơn khi dấu tích về người đã khuất lại đọng lắng trong nét vẽ, gam màu. Vấn vương đến cháy lòng: "Phải chi có được phép màu/ Cùng tranh đồng điệu anh mau trở về/ Nhãn lồng rười rượi đất quê/ Ôm anh ngan ngát bốn bề hương hoa".


Quả nhãn lồng thường thì ngọt, thơ, sao trong tâm trạng người thơ lại “rười rượi” xót xa? Cái địa danh xa lắc: “Kênh Bo Bo – huyện Thủ Thừa – tỉnh Long An” lại trở thành gần gũi xiết bao, khi đó là nơi người họa sĩ – chiến sĩ, người anh ruột thịt ngã xuống để bước vào bất tử trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh: "… Cây bút vẽ siết trong tay đằm máu đỏ/ Mắt xanh còn chưa khép lại trời xanh…/ Ôi phải chi ở nơi anh ngã xuống/ Làm đệm cỏ tròn ấm lưng anh nằm…/ Lại bồi hồi giữa Bảo tàng Mỹ thuật/ Sừng sững bia đỏ, vàng rực tên anh…“


Vương vấn cứ thế hát thành thơ trong hành tinh thơ Trương Kim Bằng. Hướng tới cái đẹp, Trương Kim Bảng có gì đó rất đồng điệu với Bích Khê trong bài “Người đẹp”. Bằng quan niệm con người là một vũ trụ, là một hành tinh, Trương Kim Bằng thật thi sĩ khi nhận ra người đẹp của mình mang chứa trong tâm hồn tất cả trăng, sao, chim, hoa, biển, bão giông, sấm sét và trời cao: “Em chẳng là gì cả - nhưng tất cả trong em”.


Hãy cứ bay trong hành tinh thơ của Trương Kim Bằng để nghe “vấn vương hát thành thơ”. Nghe để lẫn đi, ảo mờ đi. Và lạc lối trong đó…


Nguyễn Thụy Kha