12:08 13/12/2011

Hướng đi mới để phát triển chăn nuôi bền vững

Với mức tăng trưởng hàng năm đạt 5 - 6% và là quốc gia sản xuất thịt đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ), ngành chăn nuôi Việt Nam không những đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước mà còn tạo nguồn thu nhập cho hàng triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Với mức tăng trưởng hàng năm đạt 5 - 6% và là quốc gia sản xuất thịt đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ), ngành chăn nuôi Việt Nam không những đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước mà còn tạo nguồn thu nhập cho hàng triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Bài 1: Muôn vàn khó khăn

Tháng 12, con đường về các tỉnh đất đỏ miền Đông Nam bộ dài hun hút, hai bên bạt ngàn những vườn cao su, điều, tiêu... Xen lẫn trong những vườn cây này, những trang trại, hộ chăn nuôi từng một thời sôi động nhưng hiện đã bỏ phế hoặc chỉ nuôi cầm chứng do canh cánh lo ngại về tương lai không mấy tươi sáng của ngành chăn nuôi.

Người chăn nuôi “treo” chuồng

Vượt quãng đường hơn 30 km từ thị xã (TX) Thủ Dầu Một (Bình Dương), trang trại chuyên nuôi heo giống, heo thịt của anh Trần Văn Vạn ở xã Lai Hưng, huyện Bến Cát nằm giữa vườn cao su đang khai thác của gia đình. Bắt đầu nuôi từ năm 1999, thời gian cao điểm, trang trại anh có gần 100 heo nái, cung cấp hơn 1.000 con heo thịt cho thị trường mỗi năm. “Nhưng từ năm 2009, khi cao điểm dịch bệnh tai xanh bùng nổ, quy mô nuôi của nhà tôi chỉ đạt khoảng 1/3 và nếu tình hình không cải thiện, chắc tôi phải tính chuyện bỏ nghề chăn nuôi heo. Đấy là tôi có nhiều lợi thế do làm đại lý thức ăn chăn nuôi nên được mua giá gốc, chậm trả chi phí mua; đất rộng lại xa khu dân cư nên ít tác động đến môi trường... mà cũng chỉ cầm cự được tới nay, chứ hiện rất nhiều hộ nuôi trong vùng này đã bỏ nghề chăn nuôi từ lâu rồi”, anh Vạn cho hay.

Dịch bệnh, đầu vào tăng cao... khiến nhiều người chăn nuôi đã bỏ chuồng trống hoặc thu hẹp quy mô.


Còn chị Hiếu ở xã Thạnh Tân, TX Tây Ninh thì cho biết, sẵn có nguồn vốn dư dả và tận dụng thời gian nhàn rỗi, năm 2010, chị đầu tư gần 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại, con giống để nuôi gà thả vườn. Nhưng theo chị, đàn gà chỉ cho lợi nhuận ở năm đầu tiên, sang giữa năm 2011 gia đình chị đành phải bỏ “chuồng không máng trống”. Nguyên nhân do các chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, con giống... tăng quá cao, trong khi giá đầu ra không tăng tương ứng đã làm cho rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình chị lao đao.

Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua khiến người chăn nuôi quay sang chọn giải pháp nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Mặc dù đây là giải pháp an toàn nhất nhưng tình trạng cũng không cải thiện được là bao. Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 500 trang trại nuôi heo, gà đã chuyển sang nuôi gia công; trong đó những trang trại nuôi gà chuyển sang nuôi gia công chiếm đến 4/5 tổng số trang trại nuôi gà trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện rất nhiều hộ nuôi gia công tại đây đang lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi phát sinh nhiều khó khăn trong mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. “Nuôi gia công rất cực. Nhiều quy đijịnh trong các hợp đồng sự bất lợi thuộc về người chăn nuôi, lại thiếu cả sự giám sát của nhà quản lý. Bỏ kinh phí lớn đầu tư, người nuôi phải lo đủ thứ như: Giống phía công ty cung cấp không đảm bảo chất lượng, thời tiết làm phát sinh dịch bệnh, người nuôi thiếu kinh nghiệm... rất dễ làm cho hao hụt đàn cao, tiêu tốn cám nhiều, dẫn đến lỗ vốn” - chủ một trang trại gia công tại huyện Trảng Bom cho biết.

Khó càng thêm khó

Ngoài hậu quả dịch bệnh từ những năm trước, năm 2011, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ và giá con giống cũng tăng không kém đã làm cho các hộ chăn nuôi đã khó càng khó thêm. Khảo sát của ngành chức năng, mâu thuẫn lớn nhất của ngành chăn nuôi chính là giá đầu vào và đầu ra không tỷ lệ thuận tương ứng. Việc thiếu quy hoạch ổn định đã dẫn đến việc xây dựng thương hiệu riêng để tăng khả năng liên kết trong sản xuất kinh doanh, quản lý và tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại được xem là lối ra nhưng vẫn chỉ mang tính tự phát là chính. Hầu hết các tỉnh đều đã có quy hoạch về chăn nuôi, nhưng thực tế năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp so với các nước trong khu vực, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Số liệu của ngành nông nghiệp cho biết, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2011 ước đạt khoảng 117.000 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đã đạt 40 - 50% với năng suất từng bước được cải thiện về quy mô, số lượng và chất lượng. Tuy vậy, nhìn vào sự phát triển của ngành trong các năm qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng ngành vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình và đang bỏ ngỏ cơ hội cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa được các nhà quản lý đặt đúng tầm khi vẫn chủ yếu là ngành sản xuất mang tính tận dụng: Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, vốn, đất đai... Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng sở hữu những căn bệnh cố hữu của nền nông nghiệp là manh mún, phân tán, hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu sự liên kết chặt chẽ...”.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Bài 2: Nan giải bài toán giảm lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài