12:09 15/12/2011

Hướng đi mới để phát triển chăn nuôi bền vững - Bài cuối: Người chăn nuôi sẽ được bảo vệ

“Có thể nói, người chăn nuôi là đối tượng đang dễ bị thương tổn cũng như chịu nhiều thiệt thòi nhất khi có những biến động về thị trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và hỗ trợ người chăn nuôi.

“Có thể nói, người chăn nuôi là đối tượng đang dễ bị thương tổn cũng như chịu nhiều thiệt thòi nhất khi có những biến động về thị trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và hỗ trợ người chăn nuôi. Đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng có sự điều chỉnh. Mọi việc phải bắt đầu từ những bước đi cơ bản nhất…” - ông Phan Minh Báu -PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, nhận định.

Mô hình chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn của doanh nghiệp Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) đang được đánh giá cao.


Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hiện lượng thịt tiêu thụ trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ ở mức hơn 46 kg/năm so với các nước trong khu vực. Tiêu thụ thịt mới bằng hơn 50% và tiêu thụ trứng mới đạt 40% mức của khu vực. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm còn tăng mạnh sẽ tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội phát triển. Ngoài chủ trương sẽ tăng lượng tiêu thụ thịt gà trong thị trường lên thêm 2%, định hướng sắp tới của ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào phát triển đàn heo thương phẩm, trong đó chú trọng vào nâng cao chất lượng thịt.

Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao nhưng thống kê cho thấy, ngành chăn nuôi vẫn đạt những con số tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, dự kiến gia cầm sẽ có mức tăng trưởng khoảng 6% về đầu con, 17% về sản lượng thịt hơi và 19% về sản lượng trứng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi heo giảm khoảng 3% về đầu con nhưng lại tăng khoảng 2,6% về sản lượng thịt hơi so với cùng kỳ năm trước… Chăn nuôi trang trại, công nghiệp đang phát triển nhanh hơn về quy mô, vốn đầu tư. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi cũng đang có sự chuyển hướng quản lý khi sắp tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được sắp xếp và tập hợp lại thành chuỗi liên kết.

Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện cả nước có hơn 23.500 trang trại với tốc độ tăng trưởng khoảng 13%/năm. Đây được xem là xu hướng phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và các ngành chức năng đang có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển.

Theo “Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, ngành chăn nuôi sẽ có sự dịch chuyển hướng chăn nuôi từ chiều rộng sang chiều sâu, không khuyến khích phát triển ồ ạt về số lượng đầu con mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về phát triển chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh, bền vững… “Ngành sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, khuyến khích và hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp với quy mô hợp lý. Ngoài ra, Bộ sẽ có các chính sách phù hợp để hỗ trợ chăn nuôi hộ gia đình có kiểm soát, an toàn dịch bệnh, tăng thu nhập cho nông dân nghèo” - ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết.

Để quản lý tốt việc nuôi gia công, giảm sự thua thiệt cho người chăn nuôi, theo ông Tần, Nhà nước sẽ có giải pháp sắp xếp lại Ngành chăn nuôi theo hướng tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng an toàn, có kiểm soát đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các bên tham gia… Kinh nghiệm thành công của Vissan cho thấy việc khép kín từ đầu vào là gia súc, gia cầm với chế biến của nhà máy, đến nỗ lực xây dựng chuỗi phân phối đầu ra đã đem đến thành công của sự liên kết chặt chẽ cùng phát triển. Theo Bộ NN&PTNT, hiện ngành đang phối hợp với các định chế tài chính nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về thực hiện bảo hiểm ngành chăn nuôi, bên cạnh đó, sẽ có những định chế hỗ trợ người chăn nuôi, góp phần giảm bớt được các thiệt hại trong quá trình đầu tư sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa