Trung tuần tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".
Theo giới quan sát, quyết định của Mỹ dường như nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong bối cảnh hai nước vẫn chưa hóa giải được bất đồng trong cuộc chiến thương mại song phương. Về phần mình, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi lên tiếng rằng Mỹ đã "đánh giá thấp sức mạnh của Huawei", Huawei có thể tự sản xuất chip và “không thể bị cô lập khỏi thế giới”.
Căng thẳng có hạ nhiệt?
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 16/5 cho biết sắc lệnh đưa Huawei và 68 chi nhánh của tập đoàn này tại hơn 20 quốc gia vào danh sách đen bắt đầu có hiệu lực vào ngày 17/5. Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Huawei cùng các chi nhánh vào "Danh sách Thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua linh kiện và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích động thái trên của Mỹ là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu". Ông Lục Khảng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này. Mặc dù ông Lục Khảng không nêu chi tiết các biện pháp này, song giới phân tích đã cảnh báo việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ làm cho bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn. Tập đoàn Huawei cũng cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ gây tổn hại đáng kể tới các công ty của chính nước này, vốn đang làm ăn với Huawei.
Sau khi Mỹ có động thái cứng rắn với Huawei, cùng ngày, người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Chính phủ nước này sẽ xem xét chính sách đối với mạng không dây 5G và sẽ có thông báo chính thức. Hồi tuần trước, người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định Chính phủ Anh sẽ đánh giá những rủi ro nếu phát sinh bất cứ quan ngại nào trước khi thông báo liệu có cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Anh hay không. Quan chức này khẳng định London xác định rõ sẽ không “bật đèn xanh” cho những nhà cung cấp gây rủi ro cao cho những hạng mục của mạng 5G có vai trò an ninh trọng yếu.
Trong khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp không có ý định gây trở ngại cho Huawei. Nam Phi cũng nêu rõ nước này không muốn thay đổi mối quan hệ hiện có với Huawei.
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc khẳng định, bất đồng thương mại với Mỹ gây ra một số ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc song ở mức "có thể kiểm soát được", đồng thời nhấn mạnh sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả khi cần "để duy trì hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý".
Trước "sự thờ ơ" của các đồng minh và phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc, đến ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định hoãn các biện pháp trừng phạt đối với Huawei trong 90 ngày tới và cho rằng khoảng thời gian này là cần thiết để cho phép việc cung cấp các bản cập nhật phần mềm và các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã cấp “một giấy phép chung tạm thời” cho đến ngày 19/8 tới để cho phép các giao dịch “cần thiết nhằm duy trì và hỗ trợ các mạng di động đang hoạt động và sẵn sàng đi vào hoạt động cũng như những thiết bị, bao gồm các bản cập nhật phần mềm và bản vá lỗi, theo các hợp đồng và thỏa thuận đã ký kết trước ngày 16/5/2019.
Theo ông Nhậm Chính Phi, mạng 5G của Huawei sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Còn về các công nghệ 5G, các doanh nghiệp khác sẽ không thể bắt kịp Huawei trong 2-3 năm tới.
Năm 2016, đối thủ nhỏ hơn của Huawei là ZTE Corp đã bị Mỹ đưa vào danh sách che giấu việc tái xuất khẩu các sản phẩm của Mỹ sang các nước thuộc diện bị trừng phạt. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ xem ZTE và Huawei như mối đe dọa đến an ninh quốc gia với lý do công nghệ của hai tập đoàn này giúp Trung Quốc đánh cắp thông tin mật.
“Gậy ông đập lưng ông”
Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Huawei mà Tổng thống Mỹ đã công bố nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp Mỹ đã góp phần hình thành chuỗi cung cấp của Huawei.
Năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ đã bán 11 tỷ USD các loại linh kiện cho Huawei, tập đoàn đã bị Mỹ đưa vào danh sách “đen” hồi tuần qua như những mối quan ngại về an ninh quốc gia trong bối cảnh những xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một tăng. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể cấm các nhà sản xuất phần mềm và phần cứng của Mỹ bán sản phẩm cho Huawei nếu không được sự cho phép của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, Bloomberg News đã thông báo các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ như Intel, Qualcomm, Broadcom và Xilinx cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm cho Huawei – nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 thế giới và nhà cung cấp hàng đầu về cơ sở hạ tầng viễn thông và mạng di động 5G.
Google cho biết sẽ tuân thủ sắc lệnh hành pháp nói trên, không cho phép Huawei tiếp cận các dịch vụ quan trọng liên quan tới hệ điều hành Android như Gmail và Google Maps. Còn Microsoft, cung cấp hệ điều hành Windows cho nhiều thiết bị của Huawei, không bình luận về vấn đề ảnh hưởng của sắc lệnh hành pháp trên đối với doanh nghiệp này. Tuy vậy, chuyên gia Bob O'Donnell của công ty tư vấn Technalysis Research cho biết bất kỳ lệnh cấm nào chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới Microsoft.
Trong khi đó, ông Roger Kay, người sáng lập và nhà phân tích của Endpoint Technologies Associates, cho biết lệnh cấm này có thể thúc đẩy các nỗ lực của Huawei và các công ty khác của Trung Quốc trong việc phát triển các nguồn cung cấp riêng về bộ vi xử lý và các thiết bị khác. Theo ông Kay, tác động ngắn hạn đối với cả doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc chắc chắn là tiêu cực trong khi tác động dài hạn là Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ “né tránh” hợp tác với các công ty Mỹ.
Về phần mình, ông Avi Greengart, người sáng lập công ty nghiên cứu Techsponential, cho biết lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ cho Huawei có thể ảnh hưởng tới nhiều công ty có quy mô hoạt động từ nhỏ tới lớn của Mỹ, trong đó có Corning, sản xuất kính cường lực Gorilla Glass cho các loại điện thoại thông minh, và Dolby - nhà sản xuất phần mềm hình ảnh và âm thanh cho tai nghe.
Hiện ít có doanh nghiệp đưa ra bình luận công khai về phản ứng của họ đối với sắc lệnh hành pháp nói trên đối với Huawei. Cả Intel hay Qualcomm đều không trả lời câu hỏi về việc họ sẽ phản ứng như thế nào đối với sắc lệnh hành pháp này. Tuy vậy, công ty Lumentum Holdings có trụ sở tại California (Mỹ), một nhà sản xuất các ứng dụng quang học và laser, cho biết sẽ tuân thủ sắc lệnh hành pháp nói trên trong khi Huawei hiện chiếm tới 15% doanh thu của công ty này kể từ đầu tài khóa hiện nay.