06:05 27/06/2014

Huấn luyện viên: Nghề “bạc như vôi”!

World Cup 2014 mới đi hết vòng bảng, nhưng cùng với màn trình diễn đáng thất vọng của nhiều đội bóng, không ít huấn luyện viên đã bị đẩy “ra đường”.

World Cup 2014 mới đi hết vòng bảng, nhưng cùng với màn trình diễn đáng thất vọng của nhiều đội bóng, không ít huấn luyện viên đã bị đẩy “ra đường”.


5 người đã ra đi


Giới truyền thông châu Âu đang so sánh Brazil với một “nghĩa địa voi”, nơi đã chôn vùi biết bao niềm hy vọng lớn lao của người Tây Ban Nha, Italy và Anh. Đó đều là các nhà vô địch thế giới trong quá khứ, với Italy và Tây Ban Nha chính là các nhà vô địch của 2 kỳ World Cup gần đây nhất, nhưng tất cả đều đã phải sớm xách va li về nước trong nỗi hổ thẹn.

 

Cesare Prandelli từ chức tại đội tuyển Italy.


Ai đó phải trả giá cho những thất bại này? Như thường lệ, hầu hết mũi dùi công kích lại hướng về các nhà cầm quân, để giải tỏa áp lực lên đội bóng, hoặc để “hướng đến một tương lai mới” - như cách giải thích quen thuộc của lãnh đạo các liên đoàn. Một lần nữa, World Cup lại cho thấy rõ hơn cái sự “bạc như vôi” của nghề HLV.


Trước thềm giải đấu lần này, có một thống kê đáng chú ý về mức lương của 32 nhà cầm quân tại Brazil. Nó cho thấy mức thu nhập của nhiều HLV không thua kém các cầu thủ ngôi sao là bao. Điển hình như Fabio Capello (Nga) nhận lương 6,7 triệu bảng/năm, hay Roy Hodgson (Anh) nhận 3,5 triệu bảng/năm, Cesare Prandelli (Italy) nhận 2,6 triệu bảng/năm...

HLV Louis van Gaal của Hà Lan lại là một trường hợp khác. Ngay trước thềm World Cup 2014, ông đã ký hợp đồng 3 năm với Manchester United, thay thế David Moyes. Cho dù có cùng Hà Lan vô địch thế giới hay không, Van Gaal cũng sẽ chính thức trở thành người của Man Utd từ mùa giải tới.


Lẽ dĩ nhiên, lương cao cũng đồng nghĩa với sức ép thành công lớn. Đừng tưởng Capello không phải chịu áp lực ở World Cup lần này do Nga không phải là ứng cử viên vô địch, bởi vì HLV kỳ cựu người Italy được Nga “nuôi” cho tới kỳ World Cup 2018 trên sân nhà.


Và khi thành công không đến, thì ngày chia tay của HLV lại đến: Đã có 5 HLV phải ra đi sau khi vòng bảng World Cup 2014 khép lại. Trong số này, gây chấn động nhất là quyết định xin từ chức của Prandelli. Nó được đưa ra ngay sau khi Italy để thua Uruguay (0 - 1) tại bảng D. Pha “cẩu xực” của Luis Suarez rốt cuộc không chỉ để lại dấu vết trên vai Giorgio Chiellini. Thậm chí, cả Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Italy, ông Giancarlo Abete, cũng đã bày tỏ ý định từ chức.


Ngoài Prandelli, trong tốp 10 HLV nhận lương cao nhất World Cup 2014 còn có một nhà cầm quân Italy khác cũng đã “lên đường”, đó là Alberto Zaccheroni. “Zac” đã nhận mọi trách nhiệm về thất bại của Nhật Bản tại bảng C. Cũng ở bảng này, sau khi Bờ Biển Ngà để Hy Lạp giật mất tấm vé đi tiếp vào phút chót, HLV Sabri Lamouchi người Pháp không còn mặt mũi nào để tiếp tục ở lại.


Đến rạng sáng nay, sau khi kết thúc lượt trận cuối cùng ở bảng E và F, thêm 2 nhà cầm quân nữa cũng đã nói lời chia tay: Luis Suarez (Honduras) và Carlos Queiroz (Iran).


Những ai tiếp theo?


Hiện tại, chiếc ghế của Hodgson tại đội tuyển Anh vẫn được đảm bảo, nhưng dư luận vẫn không ngừng chỉ trích cách dùng người của HLV này tại World Cup. Thua Italy, thua Uruguay và hòa Costa Rica, việc niềm tin của người hâm mộ Anh vào Hodgson bị lung lay cũng không có gì lạ.
Tương tự như vậy, dù Paulo Bento “không có ý định từ chức” sau kết quả nghèo nàn của Bồ Đào Nha, không ai chắc ông có thể ngồi lâu trên ghế của mình. Bồ Đào Nha không thiếu cầu thủ ngôi sao, nhưng giới chuyên môn luôn không xem Cristiano Ronaldo và đồng đội là một tập thể mạnh. Đó là cái dở của Bento.


Trong ít ngày tới đây, nếu Vicente del Bosque chia tay Tây Ban Nha thì điều đó có lẽ sẽ không tạo nên một cú sốc lớn. Ai cũng hiểu, một chu kỳ thành công của Tây Ban Nha đã đi qua. Del Bosque năm nay 63 tuổi và đã có tất cả (vô địch World Cup 2010, Euro 2012). “Nếu tôi là một sự phiền toái cho bóng đá Tây Ban Nha, tôi sẽ ra đi”, Del Bosque tuyên bố, sau khi đội đương kim vô địch bị hạ bệ chỉ sau 2 trận vòng bảng.


Đó là chuyện của những người đã phải chia tay World Cup. Còn với những người ở lại, ranh giới giữa “người hùng” và “tội đồ” cũng rất mong manh. Không ai dám chắc chuyện gì có thể xảy ra với Alejandro Sabella (Argentina), Joachim Loew (Đức) hay Didier Deschamps (Pháp), một khi đội bóng của họ bị loại trên đường chinh phục Cúp Nữ thần vàng.


Đặc biệt, với mức lương cao thứ 4 tại World Cup (2,4 triệu bảng/năm), Luiz Felipe Scolari có lẽ sẽ chỉ được yên ổn nếu giúp Brazil giành chức vô địch thế giới lần thứ 6, trên sân nhà.


Bảo An