10:07 14/10/2014

HTX nông nghiệp chưa bán được nông sản cho nông dân

Các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản, không bị tư thương ép giá... Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các HTX nông nghiệp vẫn chưa thực hiện được điều này.

Các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản, không bị tư thương ép giá... Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các HTX nông nghiệp vẫn chưa thực hiện được điều này.

Tự sản, tự tiêu

Là xã ven đô thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), Cổ Bi có 250 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đất bãi ven sông được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả như chuối tiêu, hồng, cam, nhãn, đu đủ, ổi. Tuy nhiên, các sản phẩm cây ăn trái chủ yếu được nông dân tự đem đi tiêu thụ.

Mặc dù có thương hiệu, nhưng người dân vùng nhãn Hưng Yên nhiều khi vẫn phải tự tìm thị trường tiêu thụ.


Anh Trần Văn Giàu, xã Cổ Bi, cho biết, gia đình anh có 8 ha trồng chuối tây, chuối tiêu, cam... Mặc dù trồng cây ăn quả đã nhiều năm, nhưng gia đình anh chưa liên kết với bất cứ hợp tác xã nào trong việc tiêu thụ nông sản.

“Từ trước tới nay, chưa hề có bất cứ chương trình liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX Cổ Bi và nông dân. Chúng tôi phải tự sản, tự tiêu. Nếu được mùa, sản lượng nhiều thì chúng tôi gọi thương lái vào mua tận vườn. Nếu tiêu thụ không hết, chúng tôi trực tiếp đem ra chợ Yên Thường, Gia Lâm để bán”, anh Giàu cho biết

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phi, xã Cổ Bi, cho biết, anh có gần 10 ha trồng cam đường tại xã. Cũng như anh Giàu, anh chưa hợp tác với bất cứ hợp tác xã nào trong việc tiêu thụ sản phẩm.

“Nếu có hợp tác xã đứng ra quy tụ nông dân, giúp nông dân đàm phán giá với các thương lái, các cơ sở thu mua thì người nông dân sẽ được lãi nhiều hơn, không bị tư thương ép giá mỗi khi được mùa”, anh Nguyễn Văn Phi nói.

Cùng quan điểm trên, anh Trần Văn Giàu cũng cho biết: “Chúng tôi cũng rất muốn có chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Được như vậy thì nông dân chúng tôi cũng bớt được phần nào nỗi lo được mùa mất giá”.

Ông Đỗ Văn Thưởng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Cổ Bi thừa nhận, thời điểm thu hoạch của nông dân thường vào cuối năm, số lượng sản phẩm nhiều nhưng đầu ra không ổn định, không có mặt bằng để người nông dân tiêu thụ sản phẩm. “Nông dân vẫn tự thuê xe vận chuyển đi các vùng xa để bán và bán lẻ tại các chợ quanh vùng, nên giá cả thường bấp bênh”, ông Thưởng nói.

Thực tế, từ năm 2012, vùng đất bãi xã Cổ Bi được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của người nông dân gặp không ít khó khăn, nhất là tiêu thụ sản phẩm do khâu đóng gói, bao bì còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

HTX Cổ Đông, Sơn Tây (Hà Nội) có 320 hội viên với 550 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp lớn cùng hàng trăm trang trại chăn nuôi bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Nông dân đã liên kết với hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm nhưng liên kết này khá lỏng lẻo. Do vậy, khâu tiêu thụ nông sản của nông dân cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Cổ Đông, HTX đang liên kết với 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ còn hạn chế. Việc liên kết chỉ là hợp đồng chăn nuôi gia công và cung cấp đầu vào, đầu ra với sự thỏa thuận theo thị trường. Do vậy, liên kết chưa chặt chẽ và bình đẳng, giá cả lên xuống thường xuyên, dẫn đến chăn nuôi chưa đạt hiệu quả.

Cần sự vào cuộc của 4 “nhà”


Ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Sau gần 1 năm ra đời, việc liên kết tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết nông dân vẫn phải tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm. Vai trò của các HTX tham gia tiêu thụ sản phẩm rất mờ nhạt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực tổ chức, quản lý của nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu là đại diện cho nông dân. Thậm chí nhiều nơi còn chưa triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg; có tình trạng HTX hoạt động thiếu minh bạch, mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân rồi bán ra để hưởng chênh lệch.

Để khắc phục tình trạng này, ông Đỗ Văn Thưởng cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ với sự tham gia của nhiều bên như: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học. Từ đó, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; hướng đến tập trung nguồn nguyên liệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và kết nối sản xuất với thị trường.

Qua đó, “Vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp sẽ rõ nét hơn, làm cầu nối, giúp doanh nghiệp và nông dân hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất. Muốn vậy, cần phải cơ cấu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý. Việc tổ chức sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung hàng hóa và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế... đáp ứng yêu cầu mới”, ông Thưởng cho biết.

Theo Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm phải có hợp đồng liên kết với nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân như HTX. Điều đó càng cho thấy vai trò của HTX trong vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân là rất quan trọng.

Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Chúng tôi liên kết với nông dân tại HTX Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hoạt động của HTX được thúc đẩy lên một bước. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn do ưu thế sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ. HTX từ chỗ chuẩn bị giải thể, tới đến nay đã tích lũy được hơn nửa tỷ đồng, các xã viên có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng”.

Cũng theo ông Minh, cần phải nâng cao vai trò của các HTX trong hình thành liên kết theo chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt, cần phải xây dựng hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Nếu để người nông dân tự đứng ra đơn lẻ tham gia ký kết thì hiệu quả sẽ không cao.

Hữu Vinh