08:06 23/08/2012

Họp Thường vụ Quốc hội: Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sáng 22/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh.

Sáng 22/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh.


Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh tập trung trả lời các nhóm vấn đề: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải pháp tổng thể giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các vụ án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...


Cùng tham gia trả lời chất vấn còn có Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Quang; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ…

 

Sớm phát hiện dấu hiệu vi phạm


Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến về việc thời gian qua, thanh tra phát hiện sai phạm nhiều nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích: Mục đích thanh tra chủ yếu tìm ra những mặt làm được và chưa được của đối tượng thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót và thực hiện kết luận sau thanh tra để hoạt động tốt hơn. Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, theo quy chế phối hợp giữa thanh tra và các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, các cơ quan sẽ bàn để thống nhất những vụ việc có dấu hiệu hình sự để chuyển cơ quan điều tra.


Vì vậy, thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật thanh tra phát hiện được nhưng chuyển cơ quan điều tra ít. Tổng Thanh tra cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm chưa đầy đủ, chưa "đến nơi đến chốn". TTCP sẽ tăng cường trách nhiệm trong công tác thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm chuyển cơ quan điều tra.


Giải trình về kết quả thanh tra các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, TTCP phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng nhưng mới chỉ thu hồi lại được 2.137 tỷ đồng, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng kết quả này chưa đạt yêu cầu nhưng tiến độ thu hồi cũng là mặt tích cực so với các cuộc thanh tra khác. Tổng Thanh tra cho rằng trong thời gian tới, cần đôn đốc, kiểm tra kết luận của TTCP và các bộ, ngành theo luật quy định đối với các bộ, ngành chủ quản, các đơn vị trực tiếp là đối tượng được thanh tra. Nếu không thực hiện kết luận thanh tra sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hành chính thậm chí là xử lý theo pháp luật.


Lý giải về nguyên nhân của tình trạng phát hiện tham nhũng năm sau thấp hơn năm trước, Tổng Thanh tra cho rằng trong thời gian dài chúng ta chưa có thống kê số vụ tham nhũng, chính vì vậy số liệu những năm đầu thường cao, nhất là những vụ việc khó giải quyết. Một nguyên nhân nữa là tham nhũng hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện, người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn cao nên việc phát hiện rất khó khăn. Các giải pháp và quyết tâm giải quyết tham nhũng của Đảng, Nhà nước ngày càng mạnh mẽ nên nhiều vụ tham nhũng được giải quyết kịp thời...


Chia sẻ với Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh về việc khó phát hiện hành vi tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nhận định: Đặc thù tội phạm về tham nhũng là có trình độ, chức quyền cao và có kinh nghiệm để che giấu nên việc thanh tra thực sự khó khăn. Thừa nhận trong ngành thanh tra có những cán bộ thanh tra gây nhũng nhiễu tại đơn vị được thanh tra, Tổng Thanh tra khẳng định: Từ năm 2007 đến nay, TTCP đã xử lý 16 cán bộ, đặc biệt năm 2012 đã xử lý 6 cán bộ. TTCP sẽ tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý giáo dục cán bộ thanh tra, thực hiện văn hóa thanh tra để thực hiện việc tinh giản, trong sạch bộ máy, công tâm thực hiện chức trách, trung thực trong các cuộc thanh tra.

 

Giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng


Về nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo thời gian qua tăng cao, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận là do trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó có TTCP. Bên cạnh đó, khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm trên 70%, phần lớn là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. TTCP đang phối hợp với các cấp, các ngành nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, giải pháp giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân.


Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định: Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài là đúng đắn. Cuối năm 2011, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, còn 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, qua giải quyết nhiều lần, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. TTCP đã ra Kế hoạch 1130 để giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và các bộ, ngành thành lập 25 tổ công tác kiểm tra, rà soát tại 51 tỉnh, thành (từ tháng 5/2012 đến nay). Hiện TTCP cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết được 300 vụ việc. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thừa nhận tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng của TTCP còn chậm và hứa sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thời gian sớm nhất.


Ý kiến cử tri

Cử tri Trương Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Đức, trụ sở tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho rằng, phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã cung cấp cho cử tri cả nước thấy được bức tranh khá toàn diện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo. Các đại biểu đã nêu ra nhiều câu hỏi sát với thực tế, là những vấn đề người dân đang quan tâm.

 

Cử tri Trương Văn Đức đánh giá, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi của đại biểu. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã thừa nhận nhiều vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, công tác thanh tra vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài một phần do ngành thanh tra vẫn chưa giải quyết đến nơi đến chốn… Đông đảo cử tri tỉnh Hưng Yên cho rằng các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề "nóng" đang được dư luận quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, xử lý một cách dứt điểm và hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Đình Chung, Phó Chánh Thanh tra nhà nước tỉnh Hưng Yên đề xuất một số giải pháp cụ thể đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai.

 

Cử tri Nguyễn Bích Việt, nguyên cán bộ thanh tra ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho rằng phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra đã đi thẳng vào vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm như: các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; việc xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty... Cử tri Nguyễn Bích Việt cho rằng để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao hơn, Tổng Thanh tra cần đánh giá, tổng kết công tác của ngành, chỉ ra những nguyên nhân và chế tài khắc phục những mặt còn khiếm khuyết.

 

Luật sư Trần Lập, Đoàn Luật sư Hải Phòng nhận xét, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì có tới 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện nay là về đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án còn nhiều bất cập; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa trong khi người dân không có đất sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng chưa được xử lý nghiêm minh...

 

TTN

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Theo thống kê, số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm 70%, tranh chấp đất đai chiếm 20% và đòi lại đất cũ khoảng 10%. Thực hiện theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, và Kế hoạch 1130 của TTCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 67 vụ việc liên quan đến đất đai, trong đó Bộ đã tập trung giải quyết 36 vụ việc. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng hứa với các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước sẽ cố gắng đến hết 2012, giải quyết xong cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Ngay sau khi kết thúc phần chất vấn Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Trong thời gian 10 ngày, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số dự án luật; nghị định của Chính phủ về việc tổ chức các ngày kỷ niệm, tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân; công tác thi đua khen thưởng, tiếp xúc cử tri và một số công việc xây dựng ngành của Tòa án... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục bám sát chương trình Quốc hội để làm tốt hơn công tác xây dựng luật cuối năm.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Những vấn đề đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn đều hướng tới đúng yêu cầu đối với trách nhiệm của Chính phủ nói chung và các bộ trưởng, trưởng ngành nói riêng trong việc phục vụ nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cần tham mưu, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Trung ương đã đề ra trong năm nay và 5 năm tới; trong đó, lưu ý vấn đề đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số có đặc thù...


Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là cần giải quyết được tình trạng nợ xấu của ngân hàng; giải quyết tình trạng tài chính của các ngân hàng, góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn để phát triển lành mạnh của các ngân hàng trong thời gian tới.


Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Tổng TTCP cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng; phối hợp với các cấp, các ngành, các cấp địa phương giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền thanh tra, tạo ra sự chuyển biến tích cực, cơ bản giải quyết khiếu kiện tồn đọng, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện mới.

 

Phúc Hằng