11:16 30/11/2014

Hợp tác Nga-Trung đe dọa ngành xuất khẩu khí đốt của Mỹ

Hai hợp đồng khủng ký giữa Nga và Trung Quốc được dự báo sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu khí đốt của Mỹ.

Trong vòng 6 tháng, Nga và Trung Quốc đã ký kết hai hợp đồng “khủng” về khí đốt, được cho là lớn nhất trong lịch sử.

Động thái này có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng, vượt khỏi giới hạn của châu Âu. Nó cũng làm cho ước mơ của các nhà xuất khẩu Mỹ về món lời từ thị trường khí hóa lỏng (LNG) có thể sẽ tan thành mây khói, khi mà Nga gần như đã “choán” hết thị phần khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc - cũng là thị trường đầy tiềm năng của các nhà xuất khẩu LNG. Art Berman, nhà địa chất học kiêm chuyên gia tư vấn về LNG tại Mỹ nhận định: Nguồn cung khí đốt của Nga sẽ đẩy giá LNG xuất sang thị trường châu Á xuống mức 10-11USD/1.000 foot khối, ngưỡng hầu như không có lợi nhuận đối với các nhà xuất khẩu Mỹ.

Vấn đề tồn tại từ lâu trong ngành xuất khẩu khí LNG là sản lượng dư thừa-giá thấp. Giá LNG hiện nay đứng ở mức trên dưới ½ so với  mức đỉnh 13USD/1.000 foot khối của thời điểm năm 2008 (1.000 foot khối LNG = 1 đơn vị MMBtu = 28,63m3 khí). Thực tế này đã gây ra guy cơ bất ổn tài chính đối với các hãng khai thác khí. Nó kéo theo một hệ quả khác: Khai thác khí tự nhiên từ đá phiến (còn được gọi là khí đá phiến) trở nên đắt hơn so với khí đốt thông thường và để LNG chiết xuất từ khí đá phiến mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất, xuất khẩu Mỹ thì giá giao dịch LNG trên thị trường phải tăng thêm từ 4-6USD/ MMBtu.

Một mỏ sản xuất khí đá phiến tại Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: Gettty Imgaes


Đó là về giá. Còn xét theo yếu tố thị trường, các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ vốn đã không cạnh tranh được ở châu Âu thì nay cũng gặp nguy cơ tương tự ở châu Á. Giá như không có 2 dự án hợp tác khí đốt “khủng” giữa Nga và Trung Quốc, các công ty Mỹ có thể đã tăng được thị phần ở châu lục này, nhưng yếu tố này hiện không còn. Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ: Để khí tự nhiên chuyển thành LNG, chuyển xuống các tàu chở khí chuyên dụng và vận chuyển từ Mỹ sang châu Âu hoặc châu Á thì các nhà xuất khẩu sẽ tốn thêm một khoản chi phí lên đến 6USD/MMBtu. Mức giá xuất khẩu LNG khi đó sẽ vượt mức 12USD/MMBtu.

Trong khi đó, giá LNG xuất sang thị trường châu Á hiện chỉ đứng ở mức 10,1 – 10,5 USD/ MMBtu, tùy thị trường Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tại châu Âu, tình cảnh còn “thảm” hơn, với giá mua 9,15USD/MMBtu tại Tây Ban Nha, 6,6USD/ MMBtu tại Anh và 6,78USD/ MMBtu tại Bỉ. 

Triển vọng sẽ không mấy sáng sủa trong trung và dài hạn, khi mà sức cầu yếu, do đà suy giảm kinh tế còn tiếp diễn ở cả châu Á và châu Âu. Nhưng ngay cả khi sức cầu phục hồi, giá LNG có thể nhích lên, thì các nhà xuất khẩu Mỹ cũng vẫn gặp khó, do thị trường Mỹ giao dịch theo mức giá của Trung tâm Kinh doanh khí đốt tự nhiên Henry Hub, trong khi các nước khác thanh toán theo hợp đồng bổ sung chi phí.

Ngoài các yếu tố trên, còn có thêm một lý do quan trọng để người ta bắt đầu đặt ra nghi ngờ liệu có bao nhiêu trong số 14 trạm xuất khẩu LNG mà Mỹ dự kiến xây dựng sẽ được triển khai và đưa vào vận hành.

Theo các điều khoản tại hợp đồng ký trị giá 400 tỉ ký kết hồi tháng 5, Tập đoàn Gazprom của Nga sẽ cung cấp cho đối tác Trung Quốc nguồn LNG với mức giá 10,19USD/MMBtu. Còn trong hợp đồng mới ký hồi đầu tháng 11 vừa qua, mức giá này được cho là chỉ còn 8USD/MMBtu. Ngay cả khi mức giá được điều chỉnh tăng theo hợp đồng thứ nhất, thì Trung Quốc cũng chỉ phải mua LNG với giá 10-11USD/MMBtu và đây là ngưỡng mà các nhà xuất khẩu Mỹ phải chịu lỗ.

Mỹ hiện vẫn là nước nhập khẩu khí đốt, thế nhưng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp khí đá phiến, Washington đang hướng đến mục tiêu trở thành nước xuất khẩu khí đốt vào năm 2020, nhất là LNG - nguồn được xem là năng lượng sạch, giàu tiềm năng. Trước đó một năm, dự án “khủng” giữa Nga và Trung Quốc đã đi vào vận hành. Đó sẽ là thách thức đối với các nhà xuất khẩu Mỹ.  


Hoài Thanh (Theo Oilprice)