06:01 01/06/2012

Họp mặt chức sắc, chư tăng, người có uy tín ở phum sóc

Ngày 31/5, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức "Họp mặt tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo năm 2012" cho hơn 150 chức sắc, chư tăng, Ban quản lý chùa, người có uy tín ở phum sóc trong tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 31/5, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức "Họp mặt tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo năm 2012" cho hơn 150 chức sắc, chư tăng, Ban quản lý chùa, người có uy tín ở phum sóc trong tỉnh Bạc Liêu.


Theo báo cáo, 13 tỉnh, thành phố của khu vực Tây Nam bộ có khoảng 17 triệu dân, gồm 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm cùng sinh sống; trong đó có khoảng 47 triệu tu sĩ, chức sắc và 6 triệu tín đồ, chiếm 33,6% dân số trong vùng. Riêng đồng bào dân tộc Khmer có 1,2 triệu người, chiếm 7% dân số trong vùng.


Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, đời sống đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ không ngừng được nâng cao. Đông đảo người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…, hưởng lợi từ Chương trình 135, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách cử tuyển, chính sách dự bị đại học… Nhờ đó, các xã, phường, vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển rõ rệt, đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, con em đồng bào được học tập đầy đủ, tỷ lệ học sinh có trình độ cao đẳng, đại học ngày một tăng.


Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến, giải pháp đóng góp cùng Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, bảo vệ ổn định toàn vùng, nhằm giúp cho bà con yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa về phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án, công trình phục vụ sản xuất, ưu đãi vốn sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách cử tuyển, đưa con em đi học và bố trí việc làm ở xã, phường, thị trấn…

 

Huỳnh Sử