10:06 24/10/2014

Hợp đồng dưới 3 tháng phải đóng bảo hiểm xã hội

Để tránh việc người sử dụng lao động lách luật, ký liêp tiếp các hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), các đại biểu Quốc hội cho rằng, những hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng cũng phải đóng BHXH bắt buộc...

Để tránh việc người sử dụng lao động lách luật, ký liêp tiếp các hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), các đại biểu Quốc hội cho rằng, những hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng cũng phải đóng BHXH bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Giao thêm chức năng thanh tra BHXH

Trong phiên thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (ngày 23/10), đa số đại biểu Quốc hội (QH) tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ, thời hạn từ 1- 3 tháng vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị: “Trong thời gian tới, cần mở rộng, bổ sung với các đối tượng làm hợp đồng 1-3 tháng phải đóng BHXH bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tránh việc lách luật, ký liên tiếp các hợp đồng 3 tháng. Vì 3 tháng đầu chỉ nên coi là thời gian thử việc, sau đó phải ký hợp đồng để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động”.

Hơn nữa, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều nơi sử dụng lao động xác định hợp đồng dưới 3 tháng nhưng không ký hợp đồng, chỉ xác định bằng lời nói nên khó xác định để đóng BHXH. Đề nghị yêu cầu các đơn vị này xác lập bằng văn bản cho hợp đồng lao động dưới 3 tháng”.

Về chế độ hưu trí cách tính BHXH

Nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Đa số các đại biểu cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang né tránh tham gia BHXH, nên họ thường ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Đặc biệt ở các doanh nghiệp thời vụ như dệt may, gia công…

“Đang có trên 11 triệu người tham gia BHXH, lực lượng công nhân là đối tượng chiếm đa số, ví dụ năm 2013 lực lượng này chiếm 62% số người đóng. Do vậy, đòi hỏi phải có chính sách xem xét thấu tình, đạt lý cho các đối tượng này được hưởng quyền lợi, dù họ chỉ làm việc từ 1-3 tháng”, đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) nhận định.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và không để thất thu cho BHXH. “Mức đóng phải căn cứ trên thu nhập của người lao động, không phải căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng. Nếu đóng trên mức tối thiểu vùng chỉ là 2,8 - 2,9 triệu đồng thì sẽ làm thất thu, và khi người lao động nghỉ hưu sẽ được hưởng mức trợ cấp thấp hơn”, đại biểu Hải nói thêm.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, nhiều đại biểu QH tán thành việc giao chức năng thanh tra, giao thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức BHXH.

“Nên giao việc thanh tra cho BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có người băn khoăn, đây không là cơ quan hành chính, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ quan đặc thù, có quản lý hành chính giống như hải quan, thuế, kho bạc… những cơ quan trụ cột quan trọng, quyết định an sinh quốc gia, có trọng trách lớn trong việc thu, chi. Do vậy, cần giao việc này cho BHXH”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết.

Theo các đại biểu, BHXH không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH và tổ chức cung cấp dịch vụ công. Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động

“Để các doanh nghiệp đóng và không nợ đọng tiền, cần tăng cường thanh tra, không chỉ thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, mà các nội dung khác như sử dụng quỹ BHXH, thanh tra từng nội dung riêng biệt khác… để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, đại biểu Đinh Sỹ Cương (Ninh Thuận) kiến nghị.

Mở rộng đối tượng

Nhiều đại biểu QH tán thành việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc. Hiện các đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, có thu nhập rất thấp, nhưng họ lại đảm nhiệm nhiều việc khác nhau ở xã, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh như: thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự…

“Tại cơ sở, các cán bộ không chuyên trách hoạt động như cán bộ chính thức, tham gia đầy đủ các hội, đoàn viên, có khi họ còn làm cả buổi tối, được cử tri công nhận. Nhưng tới tuổi nghỉ hưu, lại không được hưởng chế độ hưu trí là không công bằng. Vì vậy, bổ sung lực lượng này tham gia BHXH là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đồng quan điểm cho rằng, hiện nay, có hơn 229.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Do vậy, cần xem xét tới quá trình nhiều năm công tác để hỗ trợ 10% đóng BHXH với nhóm đối tượng này, để họ yên tâm công tác.

Hữu Vinh