02:13 11/02/2015

Hòn non bộ được trưng dụng để tiễn các táo về trời

Trong vài năm trở lại đây thay vì thả ở sông, suối, ao, hồ thì không ít người dân lại đua nhau đem cá lên chùa để tiễn ông công ông táo về trời.

Trong vài năm trở lại đây thay vì thả ở sông, suối, ao, hồ thì không ít người dân lại đua nhau đem cá lên chùa để tiễn ông công ông táo về trời.


Với quan niệm, Táo Quân quanh năm ở trong bếp nênmọi chuyện hay dở tốt xấu của gia chủ đều nắm rõ.Vì lẽ đó, người ta thường làm lễ rất trọng thểđể hối lộ, đấm mồm, đấm mép Thần Táo mong các ngài bẩm báo toàn những lời hay lẽ đẹp cho Ngọc Hoàng nghe.


Người dân thả cá chép tại chùa



Trong mâm cơm cúng Táo quân thường có hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, vàng mã…và đặc biệt không thể thiếu cá chép. Bởi theotruyền thuyếtxa xưa, cá chép sẽ hóa rồng đưa các Táocưỡi vượt Vũ môn lên thiên đình. Thông thường, cá chép sẽ được thả trong một chậu nước để làm lễ, đến khi hương cháy được 2/3 thì người ta mới đem vàng mã ra hoá và đem cá đi phóng sinh.


Cho đến bây giờ nhiều người vẫn quan niệm, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa) thì mới kịp lên thiên đình. Vì thế, ngay từ sáng sớm ngày 11/2 (tức 23 tháng Chạp), sau khi làm lễ xong nhiều gia đình đã hối hả đem cá đi thả.


Mới gần 9h sáng, anh Long (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vội vã mang cá lên đình thả. Vừa thả cá anh Long vừa hóm hỉnh nói: “Nhà mình thế này còn muộn đấy, nhiều nhà còn làm từ hôm qua, hôm kia cơ. Chắc người ta sợ tắc đường lên chuẩn bị cho các Táo đi sớm.”


Bên cạnh đó, nhiều người còn cẩn thận mang cá lên chùa thả vì lo cá chép chưa kịp đưa ông Táo về chầu trời đã bị người ta vớt lại đem đi bán hoặc cho “lên đĩa”. Nếu may mắn thoát lưới thì vài tiếng sau cũng nổi lềnh bềnh trên mặt nước vì không chịu nổi sự ô nhiễm. Chính vì vậy trong những ngày này (từ 21 đến 23 tháng Chạp – PV), các chùa có khuôn viên rộng rãi, có ao để thả cá thường tấp nập kẻ ra người vào. Không khí trở nên sôi động như những ngày lễ. Bởi không ít người tin rằng: “Chẳng mấy ai dám lấy của chùa, vì thế vài năm trở lại đây năm nào mình cũng đem cá lên chùa thả.” - Chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.


Điều đặc biệt hơn nữa là các bể non bộ từ nhỏ (khoảng 40, 50 cm) cho đến lớn (tầm 2 đến 3 mét) cũng được tận dụng làm nơi đưa tiễn ông Táo về giời. Thanh minh cho việc này, có người lý giải: “Đem cá lên đến chùa còn lo gì nữa, thả đâu chẳng là thả. Cá của nhiều nhà thả ở ngoài kia chưa bơi được nửa mét đã bị người ta vớt lên làm mồi nhậu rồi ý chứ.”


Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Tuấn Khải (Phó trưởng ban quản lý chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Vài năm trở lại đây, người dân đem cá ông công ông táo lên chùa thả khá nhiều. Bởi người ta tin rằng cửa chùa là nơi thanh tịnh, trang nghiêm chẳng ai dám sát sinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số người vẫn tiện đâu thả đấy, mặc nhiên thả vào các hòn non bộ. Nhà chùa thì không khắt khe về việc này nhưng người ta phải hiểu các hòn non bộ thường có diện tích khá nhỏ, nước không được sâu không thể dung chứa quá nhiều cá.”


Nguyễn Thu Trang