10:23 02/10/2011

Hôn nhân “tình chị - em”: Không còn là của hiếm

Cùng với những tiến bộ xã hội, trào lưu giải phóng tư tưởng phụ nữ và sự gia tăng về địa vị kinh tế của phụ nữ, ngày càng có nhiều những cặp đôi chồng trẻ vợ già. “Tình chị - em” giờ không còn là chuyện ở “trời Tây” và cũng không phải là “độc quyền” của giới văn nghệ sỹ nữa.

Cùng với những tiến bộ xã hội, trào lưu giải phóng tư tưởng phụ nữ và sự gia tăng về địa vị kinh tế của phụ nữ, ngày càng có nhiều những cặp đôi chồng trẻ vợ già. “Tình chị - em” giờ không còn là chuyện ở “trời Tây” và cũng không phải là “độc quyền” của giới văn nghệ sỹ nữa.

Cặp đôi Mã Y Lợi - Văn Chương dù chênh nhau 8 tuổi nhưng vẫn rất hạnh phúc. Ảnh:Internet

Vài ngày trước, Tạ Na và Trương Kiệt, một cặp đôi đình đám trong làng giải trí Hoa ngữ đã cử hành hôn lễ. Chuyện tình kéo dài trên 4 năm giữa nàng, một người dẫn chương trình nổi tiếng, và chàng, một ca sĩ thành danh, kém nàng 1 tuổi, rốt cuộc đã có một cái kết đẹp trong khung cảnh lãng mạn và tiếng vỗ tay chúc phúc của gia đình, bạn bè cùng người hâm mộ. Trong giới văn nghệ sĩ Trung Quốc, những câu chuyện “tình chị - em” như Tạ Na và Trương Kiệt không còn là chuyện xưa nay hiếm nữa.

Ngày 19/9/1999, ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt (sinh năm 1974) đã kết hôn với Hoa hậu châu Á Lợi Trí (sinh năm 1969). Sau đó, dẫu đang rất thành công trên đường sự nghiệp, nhưng Lợi Trí vẫn quyết định rút hẳn khỏi màn bạc, toàn tâm toàn ý ở nhà chăm sóc chồng và nuôi dạy con. Tới nay, hai người vẫn sống hạnh phúc bên nhau với hai cô con gái kháu khỉnh. Cùng là “tình chị - em” còn có các cặp đôi khác như Vương Phi và Lý Á Bằng (vợ hơn chồng 2 tuổi), Đào Tinh Doanh và Lý Lý Nhân (vợ hơn chồng 5 tuổi), Quan Vịnh Hà và Trương Gia Huy (vợ hơn chồng 3 tuổi) hay Mã Y Lợi và Văn Chương (vợ hơn chồng 8 tuổi)...

So với mô típ hôn nhân truyền thống kiểu chồng hơn tuổi vợ, đây rõ ràng là những minh chứng cho sự thay đổi trong suy nghĩ về tình yêu. Và không chỉ các nhân vật thuộc giới showbiz có khuynh hướng này. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta bắt gặp ngày càng nhiều những cặp đôi kiểu “tình chị - em”. Trước đây, phụ nữ thường có xu hướng tìm kiếm bạn đời hơn tuổi vì cảm thấy đàn ông hơn tuổi chín chắn và sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc trong tương lai. Tuy nhiên, cùng với những tiến bộ xã hội, trào lưu giải phóng tư tưởng phụ nữ, phái yếu ngày càng mạnh mẽ hơn. Phụ nữ giờ đây đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, từ hoạt động nghệ thuật tới việc bay vào vũ trụ và sự gia tăng về địa vị kinh tế cũng khiến họ trở nên tự chủ hơn, kể cả trong hôn nhân.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh công bố trên tờ Daily Telegraph mới đây, tỉ lệ “tình chị - em” ở xứ sương mù đã tăng gấp đôi so với 25 năm trước và ngày càng có nhiều thanh niên trẻ ở nước này thích lấy vợ hơn mình từ 5 tuổi trở lên. Kết quả một cuộc điều tra tương tự tại Hàn Quốc đối với 604 phụ nữ chưa kết hôn cũng cho thấy, có tới 49,3% số người được hỏi trả lời rằng họ muốn kết hôn với người ít tuổi hơn và chỉ có 36,8% nói là muốn lấy đàn ông nhiều tuổi hơn.

Vậy quan niệm của đàn ông về chuyện “tình chị - em” ra sao? Theo kết quả điều tra ngẫu nhiên do một tạp chí phụ nữ ở Nhật Bản tiến hành đối với 496 nam thanh niên từ 16 - 35 tuổi, thuộc đủ mọi ngành nghề, 55% cho biết họ thích lấy người hơn tuổi. Lý do được đưa ra, ngoài việc vợ hơn tuổi sẽ chiều chuộng, chăm sóc chồng hơn, những lời khuyên của vợ với tư cách “chị gái” nhiều kinh nghiệm trong những lúc gặp khó khăn, phiền muộn cũng hết sức quan trọng, giúp cuộc sống thanh thản và nhẹ nhõm hơn. Đối với phụ nữ, phần lớn các trường hợp thích lấy chồng ít tuổi hơn cho rằng, qua đó họ được hưởng quan hệ vợ chồng bình đẳng hơn, giúp họ trẻ lâu hơn và có nhiều thời gian tham gia các hoạt động kinh tế hơn.

Nói tóm lại, giống như người phát ngôn của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh đã phát biểu, có thể các cặp đôi yêu nhau bây giờ đã không còn coi trọng vấn đề tuổi tác như xưa nữa. Quan niệm truyền thống chồng phải hơn tuổi vợ, chồng phải kiếm tiền nhiều hơn vợ đang dần biến mất và quan hệ vợ chồng ngày càng bình đẳng. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng hôn nhân “tình chị - em” cũng đặt phụ nữ trước những rủi ro khá lớn, nhất là ở các nước phương Đông, nơi mà những lời thị phi kiểu “phi công trẻ lái máy bay bà già” vẫn còn tồn tại.

Đồng thời, tuyệt đại đa số những phụ nữ kết hôn với đàn ông kém tuổi đều không cần người giúp họ thanh toán hóa đơn cho bữa tối hay đi nghỉ cuối tuần một cách trách nhiệm nhưng lại diễn ra trong vô vị. Hôn nhân, đương nhiên cần phải xây dựng trên cơ sở tình yêu, song khi kết hôn với người kém tuổi, phụ nữ dường như còn muốn phát đi thông điệp rằng họ vẫn rất gợi cảm và đầy quyến rũ, họ tự tin vào quyết định của mình và không bị lệ thuộc.

Nam Khánh