08:07 01/08/2011

“Hòn đá lăn” Brian Jones-Kỳ 2: “Cái mặt không chơi được”

Brian Jones là một nhạc công thiên bẩm. Anh có thể chọn một nhạc cụ mới bất kỳ và sáng tác nhạc ngay lập tức. Với tài năng đó, Jones được người yêu nhạc ở Luân Đôn coi là tay chơi ghita xuất sắc nhất.

Brian Jones là một nhạc công thiên bẩm. Anh có thể chọn một nhạc cụ mới bất kỳ và sáng tác nhạc ngay lập tức. Với tài năng đó, Jones được người yêu nhạc ở Luân Đôn coi là tay chơi ghita xuất sắc nhất.

Brian Jones trong những ngày tháng hoàng kim.

Tháng 5/1962, Brian Jones đăng một mẩu quảng cáo trên tờ Tin tức Jazz để tìm nhạc sĩ tham gia ban nhạc mới mà anh đang định thành lập. Người đầu tiên trả lời mẩu quảng cáo của Jones là một nghệ sĩ piano Xcốtlen tên Ian Stewart. Nhiều nhạc sĩ khác cũng muốn tham gia cùng Jones nhưng không phải ai cũng được anh chọn. Những người không có cùng quan điểm về hướng phát triển ban nhạc đều bị Jones từ chối. Cuối cùng, Jones chọn được những cái tên mà về sau làm nên sự nổi danh cho ban nhạc Rolling Stones gồm Ian Stewart, Mick Jagger, Keith Richards và Charlie Watts.

Đầu những năm 1960, Rolling Stones chỉ là một trong vài chục ban nhạc ở Anh và tất cả đều đang vật lộn tìm chỗ đứng trong lòng người nghe nhạc. Tuy nhiên, khi ban nhạc Beatles xuất hiện và giành vị trí hàng đầu trong thị trường âm nhạc, các ban nhạc khác dường như không còn đất phát triển.

Rolling Stones đã chọn cho mình một hướng đi khác và đối lập hẳn với Beatles. Nếu Beatles nổi tiếng với những giai điệu pop ngọt ngào và hình ảnh sạch sẽ, gọn gàng thì trái lại, Rolling Stones chọn cho mình thứ âm nhạc nổi loạn mà không bậc phụ huynh nào muốn con cái họ nghe. Beatles mặc đồng phục khi biểu diễn trong khi 4 “hòn đá lăn” mặc bất kỳ thứ gì họ thích, từ những chiếc sơ mi diềm xếp nếp, quần ống loe cho đến những chiếc quần bò trông bẩn bẩn, rách rưới. Với hướng đi này, Rolling Stones đã nhanh chóng nổi tiếng ở châu Âu rồi gặt hái nhiều thành công ở Bắc Mỹ và được coi là ban nhạc rock&roll vĩ đại nhất thế giới.

Các thành viên trong ban nhạc Rolling Stones năm 1968.


Tuy nhiên, sự thành công của Rolling Stones bị ảnh hưởng ít nhiều bởi ma túy. Ngay từ khi mới thành lập, cái tên Rolling Stones đã đồng nghĩa với ma túy - thứ đã khiến Jones, Jagger và Richards liên tục phải ra tòa hoặc bị các báo lá cải khai thác triệt để.

Dù dùng ma túy nhiều hơn nhưng Jagger và Richards vẫn có thể làm việc và phát triển ban nhạc. Tuy nhiên, Brian Jones lại hoàn toàn khác. Nói về tính cách của Brian Jones, một thành viên Rolling Stones nhận xét: “Anh ta có thể là con người ngọt ngào nhất, nhẹ nhàng nhất và chu đáo nhất trên thế giới nhưng anh ta cũng có thể là con người khó chịu nhất mà bạn từng gặp”.

Có những lúc, Jones là người luôn đa nghi, sống bấp bênh và vô trách nhiệm. Anh luôn khao khát có một người phụ nữ ở bên nhưng anh lại đối xử với họ không ra sao và thường xuyên lạm dụng họ.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Jones đã có tới 5 đứa con nhưng không bao giờ anh chính thức thừa nhận chúng chứ đừng nói đến chuyện làm đám cưới với mẹ chúng. Những người từng yêu Jones thường rùng mình khi nhớ lại tính khí khó chịu của anh.

Jones bị hen suyễn và lúc nào cũng phải mang theo ống xịt thuốc. Tuy thế, bạn bè Jones chưa bao giờ nhìn thấy anh lên cơn hen.

Bất chấp những rắc rối cá nhân và “cái mặt không chơi được”, Brian Jones vẫn là thành viên sáng tạo nhất, tài năng nhất ban nhạc. Những người khác luôn cảm thấy ghen tị với tài hoa của Jones khi anh có thể sáng tác với bất kỳ loại nhạc cụ nào. Nổi tiếng là tác phẩm “Under my thumb” với đàn mộc cầm và “Paint it black” với cây đàn xita của Ấn Độ.

Với tài năng đó, ít nhất trong thời gian đầu, Jones luôn là động lực của ban nhạc, luôn đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề kinh doanh và chuyên môn. Tuy nhiên, xung đột giữa các thành viên trong ban nhạc là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là giữa Jones và Richards. Dù tìm được sự đồng điệu khi chơi ghita cùng nhau nhưng sự đồng điệu đó bắt đầu tan rã khi họ cùng sáng tác các bài hát cho ban nhạc. Sự thù địch giữa hai con người ngày càng nặng nề và lên đến đỉnh điểm trong một bữa tiệc tại nhà Richards khi mà Jones đã kề dao vào Mick. Rồi họ ẩu đả trong hào nước quanh ngôi nhà cho đến khi cả hai cùng mệt lả.

Cuối những năm 1960, Jones không còn hài lòng với ban nhạc mà mình lập ra. Rolling Stones đã xa rời hướng phát triển ban đầu của Jones. Jones không ưa những bài hát mà Jagger và Richards viết cho ban nhạc. Ngày càng cảm thấy bị cô lập trong chính ban nhạc của mình, Jones đã tìm đến ma túy để tự vỗ về.

Việc Jones dùng ma túy đã mang lại rắc rối cho Rolling Stones. Jones đã “góp phần” khiến Rolling Stones ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí với hình ảnh xấu. Không chỉ thế, Jones trở nên vô dụng. Anh thường đến phòng thu và chỉ nằm dài trên sàn nhà chơi với cây ghita để giết thời gian.
Khi ban nhạc đã trở nên bệ rạc, không còn sinh khí, trong khi Jones và Richards lại sắp phải hầu tòa vì dùng ma túy, họ đã quyết định đi nghỉ để tránh bị báo chí soi mói. Tuy nhiên, một kỳ nghỉ xả hơi, thư giãn mà họ mong được hưởng đã biến thành địa ngục.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 3: Kỳ nghỉ địa ngục