04:06 02/04/2015

Hơn 30 nhóm thánh chiến tuyên bố ủng hộ IS

Hơn 20 nhóm thánh chiến đã tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 10 nhóm khác bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức cực đoan này.

Ngày 1/4, Tổ chức "IntelCenter" của Mỹ cho biết hơn 20 nhóm thánh chiến đã tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 10 nhóm khác bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức cực đoan này.

Nhiều tổ chức khủng bố tỏ ý trung thành với nhóm phiến quân IS.


Danh sách được công bố của IntelCenter, tổ chức chuyên theo dõi các nhóm cực đoan, cho thấy 31 nhóm thánh chiến này nằm rải rác trên khắp thế giới theo hình vòng cung, từ phía Tây của Algeria cho tới phía Đông của Indonesia. 31 nhóm thánh chiến này có quy mô và tầm ảnh hưởng rất khác nhau - một số nhóm chỉ có vài trăm và thậm chí vài nghìn tay súng, trong khi một số nhóm hầu như không tồn tại hoặc tách ra khỏi các phong trào thánh chiến.

Thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập một "Vương quốc Hồi giáo" hồi cuối tháng 6/2014 sau khi nhóm khủng bố này chiếm thành phố Mosul của Iraq, và kêu gọi tất cả người Hồi giáo trên thế giới thề trung thành với hắn.

Cùng ngày, nhóm phiến quân Mặt trận Nusra, có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, cho biết thành phố Idlib, Tây Bắc Syria, mà lực lượng mới chiếm được từ chính quyền Damascus cách đây ít ngày, sẽ được cai trị theo luật Hồi giáo Sharia. Tuy nhiên, Mặt trận Nusra cho biết nhóm này không có ý định độc chiếm quyền lực ở thành phố này.

Trong bản báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào cuối tháng 3 vừa qua, các chuyên gia của LHQ nhận định rằng Syria và Iraq là “trường đào tạo quốc tế” cho hàng nghìn chiến binh thánh chiến ngoại quốc.


Sau 6 tháng quan sát và theo dõi tình hình chiến binh ngoại quốc tham gia các tổ chức thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, các chuyên gia cho biết có khoảng 22.000 phần tử Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, còn có khoảng 6.500 phần tử ngoại quốc được tuyển mộ tại Afghanistan và vài trăm người khác tại Yemen, Libya, Pakistan và Somalia.


Theo bản báo cáo, hai quốc gia Syria và Iraq chính là nơi đào tạo đội ngũ Hồi giáo cực đoan, giống như tại Afghanistan vào những năm 1990. Còn Libya, trong những năm gần đây, cũng trở thành một căn cứ huấn luyện quân thánh chiến sang chiến đấu tại Trung Đông. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015, quân từ Trung Đông lại ngược sang tham chiến ở Libya.


Các chuyên gia nhấn mạnh rằng quá trình quốc tế hóa của Al-Qaeda, cũng như các chi nhánh của tổ chức này, cùng với IS đã tạo nên một mạng lưới đa quốc gia ngày càng dày đặc. Tháng 9/2014, HĐBA đã đưa ra quyết định yêu cầu các nước trừng phạt công dân của họ đi tham chiến ở nước ngoài, cũng như những người tuyển mộ và tài trợ cho các cá nhân trên.


* Chính phủ Bulgaria mới đây đã đề nghị đưa ra những đạo luật chống chủ nghĩa khủng bố mới nhằm ngăn chặn làn sóng các đối tượng có thể trở thành phần tử thánh chiến vượt qua lãnh thổ nước này để gia nhập hàng ngũ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq qua hướng Thổ Nhĩ Kỳ.

Bulgaria hiện không có đạo luật nào ngăn chặn các chiến binh nước ngoài xâm nhập hoặc rời khỏi quốc gia này, nếu không có một lệnh truy nã quốc tế. Để đối phó với tình trạng trên, chính quyền Sofia cho hay đã lên kế hoạch sửa đổi một đạo luật nhằm “hạn chế việc đi lại tự do của những người tham gia chuẩn bị, lên kế hoạch, tham gia các hành động hoặc huấn luyện khủng bố”.


TN