07:11 23/07/2014

Hơn 100 người ứng cử Tổng thống Iraq

Hơn 100 người đã nộp hồ sơ tự ứng cử chức Tổng thống Iraq, trong bối cảnh các nhà lập pháp nước này chuẩn bị chọn những người lãnh đạo mới và xây dựng một chính phủ đa sắc tộc.

Ngày 22/7, tân Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Jubouri Juburi cho biết hơn 100 người đã nộp hồ sơ tự ứng cử chức Tổng thống Iraq, trong bối cảnh các nhà lập pháp nước này chuẩn bị chọn những người lãnh đạo mới và xây dựng một chính phủ đa sắc tộc.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị người Shiite, Sunni và người Kurd ở Iraq, chức tổng thống sẽ do cộng đồng người Kurd thiểu số nắm giữ, trong khi chức chủ tịch quốc hội thuộc về cộng đồng người Sunni và chức thủ tướng dành cho người Shiite.

Dự kiến các lãnh đạo cộng đồng người Kurd sẽ công bố ứng cử viên tổng thống trong vài ngày tới. Trong khi đó, truyền thông Iraq đưa tin trong số ứng cử viên có thủ lĩnh Liên minh người Kurd trong Quốc hội Iraq Fuad Masoum và Phó Tổng thư ký Hiệp hội yêu nước người Kurd Barham Salih.

Tân Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Juburi (giữa) và 2 Phó Chủ tịch vừa được bổ nhiệm ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi ông Juburi được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Iraq. Theo Hiến pháp Iraq, sau khi bầu được chủ tịch và 2 phó chủ tịch, trong vòng 30 ngày sau đó quốc hội phải lựa chọn người giữ chức tổng thống. Tổng thống mới sẽ có 15 ngày để yêu cầu quốc hội chỉ định thủ tướng, người chịu trách nhiệm thành lập một chính phủ mới. Thủ tướng có tối đa 30 ngày để lựa chọn các thành viên nội các và trình danh sách này lên quốc hội.

Trong khi đó, bạo lực tiếp diễn nghiêm trọng tại Iraq trong bối cảnh phiến quân gia tăng hoạt động nổi dậy. Tối 22/7, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một trạm kiểm soát của cảnh sát ở thủ đô Baghdad đã khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có 9 cảnh sát, và 52 người bị thương.

Giới chức cảnh sát cho biết kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ xe chở bom tại trạm kiểm soát của cảnh sát ở khu vực Kadhimiyah, phía Tây Bắc Baghdad, nơi có đa số người Hồi giáo Shiite sinh sống. Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên, song nhóm phiến quân Vương quốc Hồi giáo (IS) - trước đây là "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL), lực lượng đang kiểm soát nhiều khu vực ở miền Bắc Iraq, từng thừa nhận thực hiện một số vụ đánh bom liều chết tại Baghdad trước đây.


TTXVN/Tin tức