12:00 06/12/2012

Hội tụ sức mạnh văn hóa tâm linh của người Việt

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” có từ thời đại các Vua Hùng, và đây cũng là nguồn gốc của tục thờ Tổ tiên của từng gia đình, dòng họ người Việt Nam.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” có từ thời đại các Vua Hùng, và đây cũng là nguồn gốc của tục thờ Tổ tiên của từng gia đình, dòng họ người Việt Nam. Từ ngàn đời nay, thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, góp phần vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước...

 

Mãi mãi trường tồn


Người Việt coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nhưng cũng là truyền thống của nhiều tộc người ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ khiến người dân cả nước Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế, nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của triết lý hướng về cội nguồn trong cuộc sống tinh thần của các cộng đồng địa phương...


Bà Tạ Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Qua phân tích những di tích khảo cổ từ thời đại Hùng Vương, đã chứng minh cội rễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ thời đại các Vua Hùng, bởi nếu không có thời đại Hùng Vương thì không có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng đầu tiên ở Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các nơi. Đầu tiên là các “vệ tinh” dưới chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích xã Hy Cương, đình làng Trẹo thị trấn Hùng Sơn...


Và cứ thế, mỗi nơi Vua Hùng đi qua, mỗi nơi Vua Hùng làm việc, vui chơi, giải trí, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng đều được nhân dân lập nơi thờ tự. Từ Đền Hùng, tín ngưỡng gốc không những mai một mà còn có sức sống lâu bền, mở rộng từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra biển khơi, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng việc thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ thực hiện, duy trì đến ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.


Theo tài liệu của Ban quan lý khu di tích Đền Hùng, ngay từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, vào mùa xuân năm Canh Tý (40), Hai Bà đã làm lễ tế cờ xuất binh với lời thề:


“Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”.


Còn trong bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 - đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông - năm 1601 có đoạn: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói...”.


Cho đến ngày nay - thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về đây thăm viếng Vua Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946, cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 1954 và năm 1962, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng. Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

 

Xứng danh di sản văn hóa phi vật thể thế giới


Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Hồ sơ thờ cúng tín ngưỡng Vua Hùng của Việt Nam vinh dự được UNESCO đệ trình là một trong 35 các di sản được đệ trình để thông qua công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới sẽ khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

 

Trong thời gian đệ trình để thông qua công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” như: Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, cập nhật hàng năm; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các Vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các Vua Hùng ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung... ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...

 

Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...


Bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” thông qua việc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức một cách trọng thể trang nghiêm vì mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; xây dựng một xã hội có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, biết ơn các Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.



Tạ Văn Toàn