07:10 17/07/2012

Hội thảo “Về một dòng tộc yêu nước ở Thanh Hóa”

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Về một dòng tộc yêu nước ở Thanh Hóa”, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Hội thảo có sự góp mặt của GS Vũ Khiêu, GS. Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam...

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Về một dòng tộc yêu nước ở Thanh Hóa”, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Hội thảo có sự góp mặt của GS Vũ Khiêu, GS. Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam... cùng các nhà sử học, các chuyên gia văn hóa, các đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Lâm Đồng, cùng con cháu dòng họ Lê Minh.


 

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CTV

 

Với mục đích khẳng định sự đóng góp của dòng họ Lê Minh ở thôn Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đối với phong trào yêu nước của địa phương và đất nước từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX; các tham luận trong Hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề xung quanh các nhân vật tiền bối dòng họ Lê như Lê Minh Dung, Lê Văn Tiến, Lê Quang Phấn, Đỗ Thị Khương... Theo đánh giá của các tham luận trong hội thảo, cụ Lê Minh Dung đã làm Thư lại niết ty Thanh Hóa, sau thăng lên Lại mục huyện Nông Cống biện tấn thừa tá, đi theo Tổng đốc Quân vụ Nguyễn Tri Phương tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp và đã hy sinh trong trận chiến đấu ở căn cứ Mã Cao năm 1887 (Yên Định - Thanh Hóa). Cụ Lê Văn Tiến (con trai của cụ Lê Minh Dung) lại có mối quan hệ mật thiết với nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, đã tham gia phong trào chống thuế ở Trung kỳ năm 1908. Trong một lần tham gia họp bàn chống Pháp, do bị bại lộ nên ông cùng những người tham gia cuộc họp bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Còn ông Lê Quang Phấn, con của cụ Lê Văn Tiến, bí danh Hoành Sơn, nguyên là Đảng viên Tân Việt, vào Đảng cộng sản Đông Dương đầu năm 1930, đã từng hoạt động cùng đồng chí Hà Huy Tập. Ông là một trong những người thành lập Chi bộ Tân Việt (1925) ở Đà Lạt, sau đó chuyển thành Chi bộ đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương tại Đà Lạt...


Ngoài việc khẳng định những công lao trên của các vị tiền bối dòng họ Lê Minh, tại cuộc hội thảo này, các đại biểu đề xuất những hành động tri ân thiết thực như công nhận nhà thờ dòng họ Lê Minh tại Thanh Hóa là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, lấy tên của một nhân vật trong dòng họ đặt tên cho một con phố hoặc một trường học tại Thanh Hóa, thành lập khu lưu niệm tại Trạm Bò, Đà Lạt, Lâm Đồng... “Đây là việc làm không chỉ để tri ân với những người có công với nước mà còn để cho các thế hệ hôm nay và mai sau ở vùng đất sinh ra những con người này tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của quê hương mà trong đó có những con người như cụ Lê Minh Dung, cụ Lê Văn Tiến, ông Lê Quang Phấn...”, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định.


P.V