05:22 19/05/2015

Hội thảo về Biển Đông tại Pháp

Hội thảo với chủ đề “Triển vọng giải quyết vấn đề Biển Đông nhìn từ luật pháp và lịch sử” đã diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp.

Hội thảo với chủ đề “Triển vọng giải quyết vấn đề Biển Đông nhìn từ luật pháp và lịch sử” đã diễn ra tối 18/5 tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) ở thủ đô Paris, Pháp.

Hội thảo được chủ trì bởi bà Françoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc IFRI. Diễn giả chính là ông Antonio T. Carpio, chuyên gia luật thuộc Tòa án Tối cao Philippines.

Chuyên gia luật người Philippines Antonio D. Carpio (trái) và bà Françoise Nicolas (giữa), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc IFRI, điều hành hội thảo.


Trong phần trình bày của mình, ông Carpio tập trung giải thích đơn kiện Trung Quốc của Philippines lên tòa án quốc tế. Theo ông, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào cho đường 9 đoạn của mình.

Xét dưới góc độ lịch sử, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ nhà Tống, nhà Thanh đều nói điểm xa nhất/cực Nam của Trung Quốc là Hải Nam. Thời Trung Hoa Dân quốc của Tôn Dật Tiên tái khẳng định lãnh thổ Trung Quốc giống với thời các triều đại phong kiến, có nghĩa là cực Nam là đảo Hải Nam.

Ông Carpio nêu rõ vụ kiện của Philippines tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh hải vì đây là đối tượng điều chỉnh của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Quang cảnh buổi hội thảo về Biển Đông tối 18/5 tại Viện quan hệ quốc tế Pháp.


Bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc IFRI, tham gia thảo luận đã nêu vấn đề về sự thiếu vắng một lập trường chung hay một thỏa thuận chung của các nước ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải.

Về phương thức giải quyết vấn đề, ông Carpio nhận xét năm 2002, các nước ASEAN đã đạt được sự nhất trí và ra Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là một văn bản không mang tính ràng buộc.

Tuy nhiên, sau gần 15 năm, các nước ASEAN chưa đạt được tiến triển mới, thậm chí một dự thảo cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng chưa có.

Theo ông, ngay cả khi các nước ASEAN đạt được COC thì văn kiện này không nhằm giải quyết tranh chấp mà nó chỉ là một cơ chế ràng buộc để kiểm soát bất đồng và tranh chấp nhằm hạn chế xung đột.

Do vậy, ông Carpio khẳng định ngay cả khi đạt được COC, Philippines vẫn kiên trì dựa vào UNCLOS và hệ thống trọng tài của UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp lãnh hải.


Tin, ảnh: Việt Sơn(P/v TTXVN tại Pháp)