06:09 01/06/2011

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Giacácta

Theo PV TTXVN tại Inđônêxia, ngày 31/5 tại thủ đô Giacácta của Inđônêxia đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông", do Trung tâm Habibie của Inđônêxia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ đồng tổ chức.

Theo phóng viên TTXVN tại Inđônêxia, ngày 31/5 tại thủ đô Giacácta của Inđônêxia đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông", do Trung tâm Habibie của Inđônêxia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ đồng tổ chức.

Tham dự hội thảo có 150 học giả, chuyên gia nghiên cứu của Inđônêxia, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ, Malaixia, Xinhgapo, Ôxtrâylia và nhiều nước khác, cùng các khách mời như đại diện Văn phòng Tổng thống Inđônêxia, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN, Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar - Chủ tịch Viện Dân chủ và Nhân quyền Inđônêxia, Chủ tịch Trung tâm Habibie, Phó Văn phòng Các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Inđônêxia - đã khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong cộng đồng quốc tế. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì đoàn kết trong ASEAN nhằm hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như mối quan hệ giữa các bên ở Biển Đông, qua đó góp phần tìm ra giải pháp và cơ chế thích hợp giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực.

Tham luận "Những hàm ý trong vấn đề hợp tác và an ninh khu vực" của Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu.

Các tham luận đều nhấn mạnh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua thương lượng đa phương, hòa bình và đảm bảo lợi ích của các bên.

Dự kiến, hội thảo sẽ ra tuyên bố chung và kiến nghị về sự cần thiết đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, vì lợi ích chung của các nước liên quan và toàn khu vực; kêu gọi nỗ lực, cam kết và đóng góp của các bên liên quan thông qua cơ chế đa phương nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, hợp tác giải quyết tranh chấp; đảm bảo an toàn hàng hải, nghiên cứu khoa học... trên Biển Đông theo các qui định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố chung của các bên về Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trước đó, ngày 30/5, Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa cho biết, mối quan tâm lớn và cũng là mục tiêu của Inđônêxia trong năm 2011 là đạt được nguyên tắc chỉ đạo đối với DOC, sau đó tiến tới COC. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2011, Inđônêxia lạc quan cho rằng Biển Đông sẽ thực sự trở thành khu vực làm cho các nước đi đến đồng thuận hơn là bất đồng.

Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)