Vốn chính sách đến miền đất cực Nam

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình tìm hiểu về chặng đường 12 năm xây dựng, phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang, là xã đảo Thổ Chu thuộc huyện đảo Phú Quốc.

Cái bắt tay rất chặt, cùng sự đón tiếp thân tình của Chủ tịch UBND xã đảo Trần Hùng Niệm làm cho chúng tôi quên hết mệt mỏi sau gần 8 tiếng ngồi trong con tàu nhỏ chạy lênh đênh trên biển từ bến cảng Phú Quốc ra xã đảo Thổ Chu.

Giới thiệu về xã đảo, ông Chủ tịch cho biết: “Xã đảo Thổ Chu mới được thành lập từ tháng 4/1993, cách đất liền Rạch Giá - Hà Tiên chừng 130 hải lý, có diện tích 1.395 ha, với 513 hộ dân sinh sống. Tuy nằm ở vị trí hết sức quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, song do đặc điểm tự nhiên, xã đảo Thổ Chu không có đất canh tác nông nghiệp, chỉ có nghề duy nhất là đánh bắt, gia công chế biến các loại hải sản và chăn nuôi nhỏ lẻ vài ba loại gia cầm như gà, vịt, heo. Những năm trước đây, đời sống người dân nơi đây còn nghèo khó nhiều, nhưng kể từ khi được Nhà nước, tỉnh, huyện quan tâm giúp đỡ, các ngành ưu tiên đầu tư, đặc biệt được vay vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản thì các làng chài đã khởi sắc, đời sống dân đảo mới thật sự ổn định, tươi vui dần”.

Người dân ven biển có vốn vay ưu đãi phát triển nghề làm cá khô.


Giám đốc NHCSXH huyện đảo Phú Quốc Nguyễn Hiền Trung nhớ lại: Ngay khi NHCSXH huyện đảo thành lập đã phối hợp với chính quyền xã đảo Thổ Chu tiến hành thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tập huấn công tác ủy thác tới cán bộ chủ chốt ở các hội, đoàn thể, xây dựng Điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã đảo. Từ khởi đầu năm 2007, mới chỉ có 37 hộ nghèo được vay 2 chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền 205 triệu đồng, đến nay đã có 109 hộ vay với tổng dư nợ đạt 916 triệu đồng với 7 chương trình tín dụng ưu đãi.

Thông qua hoạt động của NHCSXH, người dân nghèo ngoài đảo xa mới có điều kiện tiếp cận tới nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất, thoát cảnh khốn khó, ổn định cuộc sống. Như gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở tổ 5 ấp Bãi Ngư, xã đảo Thổ Chu, là một trong những gia đình dân tộc Khmer nghèo luôn nói và nghĩ về cán bộ tín dụng chính sách với một tình cảm yêu mến, trân trọng. Bởi họ đã giúp đỡ chị vay vốn ưu đãi thuận lợi, sử dụng vốn vay phát triển đàn heo thịt, heo nái, thoát khỏi túng quẫn. Cán bộ NHCSXH đã vượt qua sóng to gió lớn để tới tận điểm giao dịch, phục vụ đồng bào kịp thời vào vụ đánh bắt, nuôi trồng hải sản, gia cầm. Nhờ đó mà cái đói, cái nghèo trước đây nơi hải đảo đã lùi về dĩ vãng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan ngày nay đã có 1 cơ ngơi tươm tất với 10 con heo thịt, bình quân mỗi con nặng 45 - 50 kg, 2 con heo nái và đàn gà ấp trứng hơn 100 con, trở thành hộ khá giả từ việc biết sử dụng vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Trường hợp gia đình chị Lan chỉ là một trong hàng trăm hộ dân nghèo, hộ cận nghèo ngoài đảo xa Thổ Chu nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của NHCSXH. Giám đốc NHCSXH huyện đảo Phú Quốc Nguyễn Hiền Trung, khẳng định: “Nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là làm sao giúp đồng bào ở nơi đầu sóng ngọn gió giảm nghèo có kết quả”. Nghĩ là làm, anh chị em làm công tác tín dụng chính sách ngoài biển khơi Phú Quốc đã chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, ngày ngày đi tới các đảo xa tiếp cận với các đối tượng chính sách, cho vay và hướng dẫn họ cách sử dụng vốn vay sao cho đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Rời nơi đầu sóng ngọn gió xã đảo Thổ Chu, chúng tôi ngược theo con lộ chính lên miền biên ải phía tây nam của tỉnh Kiên Giang. Giang Thành là huyện mới được thành lập vào tháng 9/2009 có diện tích tự nhiên hơn 41.000 ha, có 5 xã thuộc diện khó khăn, nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ với 600 hộ nghèo, chiếm 8,25% tổng số hộ.

Giám đốc NHCSXH huyện Giang Thành Nguyễn Văn Thi còn trẻ, đón chúng tôi ngay ngã ba con kênh Vĩnh Tế, hồ hởi thông báo: “Dù sinh sau đẻ muộn (Phòng giao dịch NHCSXH huyện Giang Thành được tách từ NHCSXH thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương, thành lập tháng 4/2013 và cũng mới chỉ có 6 cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng chính sách, kể cả giám đốc, kiêm thêm việc lái ô tô, chạy xuồng máy, bảo vệ) nhưng đã nỗ lực vượt khó, mang vốn ưu đãi của Nhà nước đến vùng biên ải cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến 30/9/2014, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Giang Thành chưa đầy 2 năm tuổi đã đạt tới 115,896 tỷ đồng và số tiền nợ quá hạn nằm trong vòng kiểm soát của ngân hàng”.

Giữa cánh đồng lúa vàng rực lượn sóng tít tắp, chị Trương Thị Diễm, người Khmer, ở ấp Mới, xã Vĩnh Phú cười rất tươi: “Năm trước nhà em được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo đã mua con trâu sinh sản với giống lúa thơm cao sản về trồng, để năm nay trâu mẹ đẻ ra nghé con và ruộng lúa trúng mùa liên tiếp 2 vụ rồi. Thế là cuộc sống đỡ chật vật, gia đình lại có dư dả tiền nong để tính toán mua thêm heo nái về nuôi và mở mang vài ba công đất để sạ lúa thơm nữa. Dân vùng biên thực lòng biết ơn Đảng, Chính phủ và NHCSXH nhiều nhiều lần”.

Hay như gia đình anh Bùi Văn Ốc, ngụ tại ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa cùng chung niềm vui thoát nghèo và được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện kịp thời, đồng thời được Hội Nông dân xã khuyến khích, hướng dẫn sử dụng vốn vay, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo đàn heo thịt. Tháng trước, anh chị Ốc bán xuất chuồng trên 8 tấn thịt heo móc hàm, đủ trả liền 6 kỳ lãi cho ngân hàng và dự định mua thêm trâu sinh sản về kinh doanh nhằm thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đề

Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội
Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội

Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là chủ đề cuộc hội thảo do VBSP và Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN