TS Lê Xuân Nghĩa: Tăng thuế VAT không phải giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn thu

Xung quanh việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12% dự kiến từ đầu năm 2019 để cơ cấu lại nguồn thu, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh nói: Việt Nam thâm hụt ngân sách không phải do huy động thấp mà chi quá lớn, đặc biệt chi thường xuyên. Vì vậy, chỉ có tiết kiệm chi tiêu mới là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn thu bền vững.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, đề xuất tăng một loạt các sắc thuế quan trọng, trong đó có thuế VAT đã nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận trong thời gian qua.. Vậy, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% dự kiến vào năm 2019 sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân và doanh nghiệp, thừa ông?

 Tôi cho rằng, tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trực thu và gián thu đều sẽ tác động tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. VAT là loại thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, gián tiếp vào người tiêu dùng. Do đó, nếu điều chỉnh tăng mức thuế VAT hiện từ 10% lên 12% sẽ làm cho giá hàng hóa tăng, tác động trực tiếp đến chi phí của người tiêu dùng. Người dân dù giàu hay nghèo đều phải đóng chung một mức VAT cho cùng một loại hàng hóa.

Nếu VAT tăng, số tiền người tiêu dùng thu nhập thấp phải đóng thuế sẽ chiếm một tỷ trọng lớn so với thu nhập của họ. Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo. Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Có một số ý kiến cho rằng việc đề xuất điều chỉnh một số sắc thuế lần này do thu chi ngân sách gặp khó khăn. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Chúng ta thâm hụt ngân sách không phải do huy động thấp mà do chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam cao hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, ở mức khoảng 22 - 23% so với mức 16 - 17% của các nước trong khu vực. Càng ngày chi thường xuyên chiếm tỷ trọng càng lớn, thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên. Ở một số nước, họ có thể chấp nhận ngân sách thâm hụt trong một thời gian nhất định, ví dụ 5 năm để sau đó hoàn trả lại cho cân bằng.

Theo tôi, Chính phủ và Bộ Tài chính nên đi theo hướng tiết kiệm chi ngân sách. Vừa rồi, một vài chính sách giảm chi như khoán xe công, giảm đi nước ngoài, giảm bộ máy hành chính... đã được thực hiện và cần phải làm mạnh hơn nữa.

Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế cần đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trên diện rộng và mạnh mẽ hơn từ năm 2018, do đó bắt buộc phải thực hiện cơ cấu lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Các nước đang có xu hướng tăng các loại thuế gián thu. Quan điểm của ông về vấn đề này?.

 Theo tôi được biết, một số nước trên thế giới đang hạn chế thuế gián thu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo. Có một số nước áp dụng VAT ở mức 10% như Việt Nam nhưng cũng có nước chỉ đưa ra mức thuế từ 5 - 7%. Thậm chí, tại nhiều bang tại Mỹ không đánh thuế VAT. Thuế trực thu đánh vào người giàu, còn thuế gián thu đánh vào tất cả. Vì thế tôi cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc việc tăng thuế VAT.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                                          


Minh Phương/Báo Tin Tức
Tăng thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc đến các lợi ích
Tăng thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc đến các lợi ích

Bộ Tài chính vừa có đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hai phương án. Có ý kiến đồng tình đây sẽ là cơ sở để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng cần có sự cân nhắc, để tránh gây thêm sức ép cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN