Thị trường chứng khoán với tiềm năng hồi phục

Hai tuần lại đây, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có thêm những tín hiệu cho thấy đà phục hồi khá vững chắc. Nếu như cách đây 1 tháng, khối lượng giao dịch của thị trường (cả hai sàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) chỉ đạt trên dưới 60 triệu cổ phiếu/phiên thì đến nay thị trường đã giao dịch đạt tới hơn 100 triệu cổ phiếu/phiên. Theo các chuyên gia phân tích, tín hiệu giá cổ phiếu (CP) tăng cộng với khối lượng tăng phản ánh nhà đầu tư (NĐT) đang lạc quan với triển vọng thị trường.

Những tín hiệu thuyết phục

Tính từ mức điểm thấp nhất của VN-Index (366 điểm vào 22/12/2011), chỉ số này đã tăng gần 60 điểm, lên hơn 420 điểm vào ngày 24/2/2012. Phiên giao dịch kết thúc tuần trước (24/2), khối lượng giao dịch của sàn TP Hồ Chí Minh đạt tới gần 80 triệu CP, trong khi sàn Hà Nội đạt hơn 80 triệu CP.

Theo ông Đinh Anh Kim, Giám đốc chi nhánh Chương Dương – Hà Nội, Công ty Chứng khoán APEC, số lượng trên dưới 80 triệu CP được giao dịch mỗi sàn càng có ý nghĩa khi biết rằng giá cổ phiếu đã tăng liên tục gần 2 tháng nay. Giá CP tăng nhưng vẫn được mua vào với khối lượng ngày càng lớn chứng tỏ tâm lý các NĐT đang cải thiện theo hướng tích cực.

Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, sự cải thiện trong tâm lý của các NĐT bắt nguồn từ một số tín hiệu của kinh tế vĩ mô công bố gần đây như chỉ số lạm phát (CPI) 2 tháng đầu năm có tốc độ tăng đã giảm so với cùng kỳ. Tuần trước, một vài ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay như Ngân hàng ANZ, ngân hàng Agribank.

Giải thích sự đảo chiều của tâm lý các NĐT, bà Trần Diễm Hằng, Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Golden Bridge cho rằng, năm 2011, CPI liên tục tăng cao, tín dụng bị thắt chặt và lãi suất ngân hàng (đầu ra) đã lên tới 25 – 27%/năm (vào tháng 3/2011) và duy trì ở mức hơn 20% /năm suốt cả năm 2011 khiến phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đã bị lỗ trong năm 2011. Điều này khiến giá cổ phiếu giảm mạnh bởi NĐT bi quan với triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Bước sang năm 2012, tốc độ tăng CPI của 2 tháng đầu năm đã giảm, NHNN vẫn quyết tâm duy trì chính sách tín dụng chặt chẽ để đưa CPI giảm về dưới 10%. Với những tín hiệu tích cực và thông điệp điều hành tín dụng nhất quán, các NĐT đã tin vào triển vọng sáng của kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Đó là khi CPI hạ nhiệt thì lãi suất sẽ hạ nhiệt đồng loạt.

“Lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi trở lại. Giả sử từ quý III/2012, doanh nghiệp báo cáo có lãi, trong khi năm 2011 toàn lỗ thì đó là những tín hiệu rất tích cực đối với TTCK nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Lúc đó giá CP trên thị trường sẽ hồi phục mạnh, ít nhất cũng trở về giá trị thật”, bà Hằng nói.

Lực cầu của những nhà đầu tư kinh nghiệm

Đánh giá về lực cầu mạnh xuất hiện trên thị trường trong 2 tuần trở lại đây, bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng đầu tư Quỹ Bảo hiểm Bưu điện cho rằng, tại thời điểm này, tồn tại trong thị trường phần lớn là những NĐT từng trải, có kinh nghiệm. Các NĐT này khá nhạy bén trong việc nắm bắt quy luật vận động của thị trường cũng như những tín hiệu cảnh báo xu hướng tiêu cực hay tích cực từ kinh tế vĩ mô đến TTCK.

Hiện nay, do các NĐT này nhận thấy, kinh tế vĩ mô đang tiến triển theo chiều hướng tích cực nên đã tranh thủ mua vào khi giá CP còn khá rẻ. “Nếu chờ đợi mọi chuyện phải rõ ràng thì đồng nghĩa, lợi nhuận cũng không còn nhiều”, bà Mai nói.

Liệu các NĐT có lạc quan quá sớm? Ông Đinh Anh Kim (Chứng khoán APEC) cho rằng, lạc quan của NĐT vào thời điểm này không bị coi là tếu bởi có nhiều cơ sở để minh chứng cho việc nhận định triển vọng phục hồi của TTCK là vững.

Thứ nhất, nếu như năm 2011, việc nhận diện những rủi ro của kinh tế vĩ mô còn chưa rõ như CPI liên tục tăng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng bấp bênh, chưa nhìn thấy triển vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt… thì nay mọi chuyện có lẽ đã rõ hơn.

Thứ hai, nhìn rộng hơn, với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, NHNN thể hiện sự kiên trì và nhất quán (điều hành tín dụng chặt chẽ; đưa CPI về dưới 10% trong năm 2012 và xuống 5 – 6 % vào các năm sau); khó khăn về thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang được giải quyết hiệu quả; Chính phủ đang quyết liệt thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước để tăng hiệu quả hoạt động…, các NĐT tin vào triển vọng sáng trong trung và dài hạn. Do đó, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào TTCK.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN