Thêm giải pháp hỗ trợ vốn linh hoạt và hiệu quả

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hạ dần lãi suất cho vay.

 

Ngoài việc giảm mạnh các mức lãi suất cho vay, NHNN còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ, rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở; triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà, cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; cải cách thủ tục hành chính và hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện giải ngân vốn vay nhanh gọn, thuận tiện...

 

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết: Với lượng nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn sẵn sàng cho các DN vay vốn nếu các doanh nghiệp đủ điều kiện. Thậm chí có DN còn thỏa thuận được với mức lãi suất thấp, ngang bằng với lãi suất huy động khi có những dự án có triển vọng tốt, lịch sử tín dụng minh bạch và vốn vay được sử dụng đúng mục đích.

 

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV
Việt Nam Cao Sỹ Kiêm:

“Những chính sách tháo gỡ khó khăn đã có nhưng cần cụ thể hóa nhanh về cơ chế, điều kiện, địa chỉ thực hiện. Ví dụ, các gói tín dụng cho lãi suất thấp và các đối tượng ưu tiên như nghề cá, trong nông nghiệp, DNNVV, xuất khẩu… Đây là những lĩnh vực còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng để bảo đảm tăng thu ngân sách, việc làm góp phần tăng trưởng nhanh, bảo đảm việc làm ổn định đời sống nhân dân.”

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Đạo Vũ cũng cho biết, DongA Bank mong muốn hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Ngân hàng đang triển khai gói tài trợ tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết năm 2014, trong đó có 2.500 tỷ đồng dành cho các DNNVV trên toàn quốc với lãi suất cho vay ưu đãi tối đa 7 - 8%/năm (đối với các khoản vay ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống); 8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 - 6 tháng và đến 11%/năm cho các khoản vay trung dài hạn trong 6 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân.

 

Ngoài ra, DongA Bank còn triển khai gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường với lãi suất 6%/năm; lãi suất 7 - 8%/năm áp dụng cho khách hàng vay là nhà cung cấp của DN tham gia chương trình trên… Đối với DN có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và hiệu quả thì chính quyền địa phương cùng với ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.


Đại diện NHNN cũng cho rằng, mức lãi suất cho vay trung hạn và ngắn hạn hiện nay là phù hợp, vì ngân hàng thực chất cũng là DN đang phải đi vay để cho vay. Việc DN khó tiếp cận vốn vay không phải do ngân hàng làm khó mà trong bối cảnh hạn mức tín dụng bị khống chế để kìm chế lạm phát và để tăng trưởng tín dụng hợp lý thì các ngân hàng thương mại phải hướng dòng vốn đến những lĩnh vực có hiệu quả cao là hợp lý. Nếu DN không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thì dù lãi suất hạ vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ là một thực tế.


Tuy nhiên, theo TS Phạm Ngọc Long, do DNNVV có vốn thấp, tổng tài sản sinh lời thấp, khó có mức doanh thu đủ lớn để hấp dẫn các ngân hàng nên ngân hàng cần có cách cho vay mới, chẳng hạn cho vay qua DN đầu mối liên kết nghiên cứu - sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Hoặc cho vay theo mô hình bảo lãnh tín dụng trọn gói không cần tài sản bảo đảm, mô hình tín dụng kích cầu có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ… Các cơ quan chức năng hỗ trợ cùng với ngân hàng- DNNVV giải quyết bài toán về thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng tháo gỡ rào cản, thể chế và minh bạch hóa thông tin, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng.


Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam kiến nghị: Các ngân hàng cần quan tâm tư vấn nhiều hơn các hộ kinh doanh cá thể do còn hạn chế về kiến thức, trình độ tài chính ngân hàng. Đây cũng là nội dung để thực hiện chỉ đạo của NHNN, khi ngành cũng đã có những hướng dẫn rất thiết thực để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng này. Theo đó, các NHTM trên địa bàn nên hỗ trợ khách hàng xây dựng phương án vay vốn, bảo đảm điều kiện thẩm định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và bảo đảm giải ngân kịp thời cho DN. Nhưng ngược lại, DN cũng cần phải công khai, minh bạch tình hình tài chính để trên cơ sở đó ngân hàng mới có giải pháp tốt nhất giúp DN vượt qua khó khăn.

 

M.Phương - H.Yên - H.Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN