Tháng 6 sẽ tăng phí giao dịch ATM

Vấn đề tăng phí giao dịch ngoại mạng ATM từ 3.300 – 5.500 đồng/lần giao dịch đang được bàn luận xôn xao. Chưa kịp “hoàn hồn” với việc tăng giá một loạt các mặt hàng, dịch vụ thời gian qua thì giờ người dân lại đối mặt với một loại phí mới. Mức tăng không nhiều nhưng cái lý mà các nhà cung cấp đưa ra chưa đủ thuyết phục người dân.


Tăng phí có chắc chắn sẽ cải thiện được dịch vụ?


Chị Nguyễn Thị Gấm, nhân viên một công ty may ở khu công nghiệp Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội nói: “Lương công nhân của chúng tôi chỉ được 2 – 2,5 triệu đồng/tháng. Lấy lương tháng nào xong cũng rút ra hết để chi tiêu gia đình. Mà lần nào cũng phải để lại 50.000 đồng trong tài khoản theo quy định. Đã chóng mặt với các loại phí sinh hoạt tăng giờ lại tăng thêm cả phí giữ tiền”. Cái lý của chị đưa ra là không cần ngân hàng giữ tiền hộ mà thực tế là ngân hàng đang hưởng lợi từ việc họ buộc phải để lại một khoản tiền nhất định trong tài khoản. Một vài người thì là con số nhỏ nhưng với hàng nghìn, trăm nghìn công nhân thì con số này sẽ tăng lên rất nhiều.


Cùng cách phân tích đơn giản như chị Gấm, anh Thái – một cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi cho rằng việc có thêm hệ thống ATM của các ngân hàng về bản chất chính là một loại dịch vụ gia tăng để phục vụ khách hàng. Nhờ có ATM thì ngân hàng cũng huy động được một nguồn vốn từ người dân, dù đây là khoản vốn không kỳ hạn thì vẫn mang lại lợi ích cho ngân hàng. Việc thu phí ngoại mạng để các ngân hàng liên thông với nhau thì các ngân hàng phải tự tính toán cho phù hợp chứ không phải là để người dân chịu.


Trao đổi với PV, nhiều người dân đồng thời cũng là các chủ thẻ ATM tỏ ra hồ nghi về chất lượng dịch vụ của cây ATM sẽ được cải thiện từ việc tăng phí giao dịch ngoại mạng hay việc đề xuất thu phí giao dịch nội mạng của các ngân hàng. Thực tế là trong thời gian qua, việc gặp rắc rối của người dân khi sử dụng ATM đã làm rất nhiều người bức xúc, thậm chí có nhiều người "tẩy chay" sử dụng thẻ rút tiền tại cây ATM.


Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội nghi ngại: "Liệu khi chúng tôi chấp nhận đóng phí giao dịch ATM nội mạng và ngoại mạng tăng thêm, các ngân hàng có cây ATM có cam kết với người sử dụng là sẽ không xảy ra những tình huống như: kẹt thẻ, chưa giao dịch thành công đã bị trừ tiền trong tài khoản, các vấn đề an ninh… Nhất là việc sẽ dễ dàng giải quyết nếu có sự cố xẩy ra?".


Tháng 6: Dự kiến tăng phí giao dịch ATM, Thị trường - Tiêu dùng, ngan hang, phi, ATM, lai suat, tai chinh, dich vu, kinh te

Trong thời gian qua, việc gặp rắc rối của người dân khi sử dụng ATM đã làm rất nhiều người bức xúc. (Ảnh minh họa).


Người trong cuộc nói gì?


Ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng thời điểm tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng và việc các ngân hàng đề xuất thu phí giao dịch nội mạng trong thời điểm hiện nay là không hợp lý khi người dân đang phải gánh rất nhiều nỗi lo về sự leo thang của vật giá. Mặt khác, các ngân hàng lớn đang có lợi nhuận cao thì có thể chia sẻ khoản lợi nhuận đó cho chi phí duy trì hoặc kết nối ngoại mạng với người tiêu dùng, tức là chủ thẻ.


"Mặc dù, xét về lý, việc tăng phí giao dịch ngoại mạng đối với chủ thẻ ATM là không sai khi phải duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ. Song các ngân hàng nên cân nhắc thời điểm hơn là việc tăng bao nhiêu phí cho một lần giao dịch", ông Kiêm nói.


Còn giám đốc Trung tâm thẻ của một Ngân hàng thương mại cổ phần thì bày tỏ quan điểm rằng: “Việc các “ông lớn” (bao gồm các ngân hàng có thị phần ATM lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Đông Á, BIDV, Techcombank - pv) lên tiếng đòi tăng phí giao dịch ngoại mạng đối với chủ thẻ là chưa hợp lý. Việc thu – chi thế nào để cân đối nguồn lợi nhuận từ nguồn vốn này là bài toán kinh tế mà các ngân hàng này phải tính rất kỹ chứ không thể nói là việc thu phí hiện nay không đủ bù chi như một số báo đã phản ánh”.


Theo vị này, đã xác định đầu tư thì phải có lợi nhuận. Không thể nói là không có lợi nhuận khi ngân hàng đầu tư hàng nghìn cây ATM mà không mang lại một khoản lợi ích nào từ việc đầu tư này.


Vị giám đốc này nói thêm: “Nói mọi chi phí cho việc duy trì ATM đổ gánh nặng vào các ngân hàng lớn là không chính xác vì dù lượng cây ATM ít hoặc số lượng chủ thẻ chưa nhiều nhưng các ngân hàng nhỏ khi đã tham gia vào hệ thống banknet thì đã phải nộp hàng trăm triệu để được làm thành viên và phí duy trì thường niên cũng tương đương như vậy”.


Hiện nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Ocean Bank, Maritime Bank… khi phát hành thẻ đã cam kết miễn phí giao dịch ngoại mạng dành cho các chủ thẻ. Hàng tháng, các ngân hàng này phải tính và thanh toán với các đối tác là các Trung tâm thẻ của các ngân hàng khác mà khách hàng của họ đã sử dụng. Theo đại diện của Ngân hàng Ocean Bank thì nếu tính toán theo kiểu chia đầu người sử dụng trên mỗi máy ATM thì các ngân hàng có thị phần lớn về dịch vụ thẻ đang tự làm khó mình bởi cách đầu tư dàn trải như vậy. Rõ ràng, nếu chia như vậy thì các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ số chủ thẻ/số máy ATM tốt hơn các ngân hàng lớn. Vấn đề là phải tính đến vùng dân cư, đối tượng khách hàng, nguồn lợi nhuận từ khách….trước khi quyết định đầu tư thêm cây ATM.


Phải chăng bài toán tăng phí giao dịch ngoại mạng ATM mà Hội thẻ Việt Nam đề xuất với Ngân hàng Nhà nước thông qua và áp dụng vào tháng 6 tới đây chưa phải là giải pháp nhận được sự đồng tình của người dân và chính những người trong cuộc?


Theo VTC News

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN