'Phải kiên nhẫn để giải quyết vấn đề nợ xấu'

Một số chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về việc ngành ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu ở mức cao. Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này cũng như sự nhìn nhận về việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 

´Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của NHNN?


Một điểm quan trọng khi xem xét điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá là cần xem xét kết quả đạt được của năm 2011 với kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm nay. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá rất ổn định, lạm phát giảm mạnh từ mức cao trên 20% vào tháng 8/2011 xuống dưới 5,5% vào tháng 7/2012; đồng thời, dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh.


Đây là những thành tựu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được. Rõ ràng, NHNN đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được những thành tựu này. Người dân hiện nay đã tin tưởng hơn vào VND. Uy tín của NHNN với thị trường đã tăng mạnh.


Khách hàng giao dịch tại Hội sở VPB (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Dựa trên kết quả làm việc, trao đổi thường xuyên của chúng tôi với NHNN, tôi cho rằng: NHNN đã theo sát các diễn biến kinh tế vĩ mô để đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp. Ví dụ: liên quan đến lãi suất, NHNN đã thay đổi lãi suất chính sách, lãi suất cho vay. Các biện pháp chính sách được NHNN thực hiện đã mang lại kết quả ổn định kinh tế vĩ mô.


´Ông có bình luận như thế nào về quyết tâm và định hướng của NHNN trong việc theo đuổi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012?


Tôi cho rằng, NHNN đã đặt cho mình mục tiêu của năm 2012 là giữ lạm phát ở mức 1 con số, duy trì ổn định tỷ giá, cố gắng đảm bảo đồng tiền không mất giá quá 3%. Những mục tiêu này là hoàn toàn hợp lý. NHNN đã làm rất nhiều việc nhằm đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Vấn đề là thanh khoản đầy đủ không chuyển hóa được thành tăng trưởng tín dụng cho hệ thống.


Quan điểm của chúng tôi là vấn đề không nằm ở bên cung tín dụng mà nằm ở bên cầu tín dụng rất thấp. Chúng tôi nhận thấy, nợ xấu đang tăng lên là do cầu tín dụng - doanh nghiệp đã vay quá nhiều trong quá khứ. Trong trường hợp này, NHNN phải cố gắng duy trì lãi suất chính sách ở mức phù hợp.


Theo báo cáo của các ngân hàng tính đến tháng 6/2012, nợ xấu của toàn hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 3,96% tổng dư nợ với 54.600 tỷ đồng. Dư nợ của khối ngân hàng cổ phần là 41.000 tỷ đồng, tương đương 4,54% dư nợ. Trong khi đó, con số nợ xấu do Thanh tra NHNN đưa ra lại lên tới 8,6% - gần gấp đôi của các tổ chức tín dụng (tính đến ngày 31/3). Tại báo cáo giải trình gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn diễn ra chiều 21/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro... Về con số nợ xấu chính xác, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ điều hành căn cứ vào số liệu của Thanh tra NHNN. Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN vẫn cho rằng: Nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức quá lo ngại so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý nợ xấu. Hơn nữa, các TCTD đã trích lập 70.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng và 84% các khoản nợ của hệ thống ngân hàng đều có tài sản đảm bảo.

Theo tôi, thời gian tới, điều quan trọng là phải đảm bảo sự ổn định đã đạt được trong 7 tháng qua phải được duy trì. Những công việc của NHNN đang triển khai cần nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ các cơ quan khác của Chính phủ để đảm bảo rằng bên cạnh các điều kiện kinh tế vĩ mô, các cải cách kinh tế cần thiết khác cần phải được triển khai trong khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).


´Thưa ông, tái cấu trúc khu vực tài chính - ngân hàng và xử lý nợ xấu luôn được dư luận quan tâm. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tư vấn chính sách gì về vấn đề này?


Điều quan trọng nhất khi bạn gặp phải những vấn đề như vậy là phải kiên nhẫn. Chúng tôi thấy một điều là sự mất cân đối mà chúng ta đang chứng kiến là mọi người đã vay nợ quá nhiều trong quá khứ khi giá bất động sản tăng cao đến mức không bền vững và khi giá bắt đầu giảm thì quá trình điều chỉnh lại cân đối tài sản và nợ đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian.


Điều cần thiết trong tình hình hiện nay là, trước hết chúng ta cần cải cách khu vực ngân hàng, vấn đề nợ xấu phải được xử lý. Bài học căn bản đầu tiên xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế là chúng ta không thể xử lý được các vấn đề mang tính cơ cấu thông qua các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cải cách khu vực ngân hàng, cải cách DNNN là những điều cần thiết phải thực hiện...


Xin cảm ơn ông!


Minh Phương (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN