Nông dân Bình Phước làm giàu từ nguồn vốn vay Agribank

“Để có được kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank”. Đó là bộc bạch của ông Võ Hùng Chiến (còn gọi là Sáu Điều) khi chúng tôi tới thăm trang trại trồng điều lớn nhất Việt Nam của ông ở tỉnh Bình Phước. Không chỉ ông Chiến, nhiều người dân vay vốn của Agribank Bình Phước đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nghe nói tôi đi công tác lên Bình Phước, một anh bạn là doanh nghiệp chế biến hạt điều có tiếng ở TP Hồ Chí Minh bật mí: “Lên đó ông phải tìm đến nhà “vua Điều” hay “Sáu Điều” mới đúng là đặt chân tới Bình Phước!”. Quả đúng vậy, khi tôi hỏi nhà anh Sáu Điều, rất nhiều anh em ở Agribank Bình Phước hăng hái chỉ đường và dẫn tôi lên trang trại điều lớn nhất nước ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập.

Ông Võ Hùng Chiến giới thiệu vườn điều lớn nhất nước ở Phước Long, Bình Phước.


Rời TP Hồ Chí Minh lên Bình Phước từ năm 1997, với mong muốn phát triển kinh tế bằng nông nghiệp, gom góp tiền bạc và vay mượn thêm bạn bè, anh Chiến mua được 120 ha điều. Anh dẫn chúng tôi ra trang trại điều, nơi có hàng trăm nhân công đang thu hoạch, tâm sự: “Bây giờ nhìn khu rừng điều mát mắt thì thấy đã vậy đó, chứ ngày trước tôi thực sự ngán ngẩm vì gom tiền mua được 120 ha đất vườn điều nhưng do mình không kiểm tra kỹ nên trong đó có ít đất trồng điều mà lại có tới 70 ha rừng tái sinh, cỏ cao ngập đầu người. Thuê người phát cỏ nhưng cỏ vừa phát xong đã mọc lại cao vút. Rồi hết tiền đầu tư, tôi nghĩ chẳng lẽ bao nhiêu công sức đổ vào đây giờ khó khăn lại đầu hàng, bán hết quay về TP Hồ Chí Minh. Đã trót phóng lao phải theo lao, may mà có Agribank Bình Phước giúp đỡ”.

Với bản chất của người lính ở quê hương Đồng Khởi - Bến Tre, anh Chiến không đầu hàng. Anh lên phương án sản xuất kinh doanh và tiếp cận ngân hàng Agribank chi nhánh Phước Long (Bình Phước). Tiếp nhận hồ sơ khách hàng, ngân hàng cử cán bộ tín dụng xuống xác minh và xem xét phương án trả nợ của ông Chiến. Nắm bắt được tâm huyết và ý chí làm giàu của ông, cùng với phương án sản xuất kinh doanh khả thi, Agribank chi nhánh Phước Long đã giúp ông biến ước mơ thành hiện thực.

Bà Nguyễn Thị Thìn giới thiệu trang trại nuôi 140.000 con gà đẻ trứng của mình.


Từ 120 ha đất ban đầu, trong đó có 70 ha rừng tái sinh, khi được Agribank chi nhánh Phước Long hỗ trợ vốn, ông Chiến đã làm ăn có hiệu quả và mua thêm đất lên 151 ha. Nhờ biết phát huy hiệu quả của đồng vốn, không những trả hết nợ ngân hàng, ông Chiến còn đáo hạn vay thêm tới ba lần để đầu tư khai thác có chiều sâu nhằm tăng năng suất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ông Võ Hùng Chiến là người nông dân duy nhất sở hữu diện tích trồng điều lớn nhất cả nước: 151 ha điều và cái tên “Sáu Điều” cũng có từ đó.

Nhờ biết phát huy nguồn vốn mà mới đây, ông Chiến tiếp tục được Agribank chi nhánh Phước Long cho vay 70% giá trị khi ông mua thêm 8,8 ha đất vườn. “Người nông dân muốn làm nông nghiệp ngoài bám vào đất còn phải dựa vào ngân hàng mới mở rộng được quy mô và có hiệu quả cao. Tuy còn nợ Agribank chi nhánh Phước Long 2 tỷ đồng nhưng với với doanh thu hàng năm từ vườn bình quân 3,5 tỷ đồng thì khoản nợ đó với tôi không đáng lo”, ông tâm sự. Không những làm ăn có hiệu quả mà ông còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động quanh năm và khi vào chính vụ số lao động tăng lên đến 100 – 120 người.

“Có Agribank chi nhánh Phước Long giúp sức, ở khu này có ai bán đất là tôi tiếp tục mua, khó khăn về vốn lại nhờ ngân hàng giúp đỡ. Đây là cơ hội để mở rộng diện tích và đầu tư chiều sâu cho phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm cho một số người dân. Vườn điều rộng 151 ha là những tài sản quý giá mà tôi có được nhờ Agribank giúp sức”, ông Chiến cho biết.

Cũng đầu tư phát triển về nông nghiệp và phát huy hiệu quả từ đồng vốn của Agribank Bình Phước, nhưng bà Nguyễn Thị Thìn lại chọn hướng đi là phát triển trang trại chăn nuôi và chế biến lâm sản. Bà Thìn, đang sở hữu trang trại nuôi gà lấy trứng rộng hơn 5 ha với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng và nhà máy chế biến viên nén gỗ đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng tại thị xã Đồng Xoài.

Bà Nguyễn Thị Thìn “bén duyên” với Bình Phước khi đang là một doanh nhân kinh doanh xe gắn máy rất thành đạt tại TP Hồ Chí Minh. Rong ruổi suốt 6 tháng trời ở khắp các tỉnh Đông Nam Bộ để tìm đất làm trang trại, nuôi gà đẻ trứng với tiêu chí “xa dân, gần điện”. Rồi bà Thìn trụ lại ở Bình Phước khi tìm được mảnh đất ưng ý để đầu tư xây trang trại nuôi gà lấy trứng. Nhưng khi bước vào đầu tư xây dựng trang trại thì cũng là lúc nguồn vốn tích lũy đã hết, bà đã tìm đến ngân hàng Agribank Bình Phước vay 10 tỷ đồng. Vừa làm vừa tích lũy vốn lại đầu tư và trả nợ ngân hàng, đến nay bà Thìn đã sở hữu đàn gà 140.000 con với tỷ lệ đẻ 90%.

Không những xây dựng trang trại nuôi gà, bà Thìn còn xây nhà cho công nhân ở. Ngoài việc nuôi công nhân ăn ngày 3 bữa, bà còn trả lương cho họ từ 3,5 - 8 triệu đồng/tháng. “Đụng tới đồng tiền của mình thì mình phải kỹ để bảo toàn đồng vốn. Người lao động mà ốm đau thì không có ai chăm sóc đàn gà. Chính vì vậy nên tôi cẩn thận chăm lo bữa ăn cho người lao động đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà ở phải đàng hoàng sạch sẽ. Hiện đang có 50 công nhân làm việc, trong đó có đến 15 cặp vợ chồng và con của họ được tôi nuôi dưỡng chu đáo” bà Thìn tâm sự.

Giúp người dân làm giàu để giải quyết việc làm cho nông dân khác bằng những chính sách cho vay với lãi suất linh hoạt hợp lý, Agribank Bình Phước đã làm tốt vai trò là bạn của nhà nông. Đồng thời tạo sự tin tưởng cho người dân với ngân hàng và ngân hàng với khách hàng là những gì mà Agribank Bình Phước đã làm được trong thời gian qua. Nguồn vốn Agribank Bình Phước đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã, đang và tiếp tục phát huy hiệu quả. Từ nguồn vốn vay đã giúp nông dân có hướng đi phù hợp để nâng cao đời sống, đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên mọi miền quê.

P.V

Thoát nghèo nhờ vốn Ngân hàng chính sách xã hội
Thoát nghèo nhờ vốn Ngân hàng chính sách xã hội

Anh Nguyễn Trọng Tiến, một nông dân người Tày ở thôn Tài Chang, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) khẳng định như vậy khi chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi giống lợn rừng, lợn “Mán” được coi là thành công nhất trong vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN