Nhà đầu tư cần tránh bị tin đồn “lợi dụng”

Nhiều ý người ví rằng: thị trường chứng khoán (TTCK) là thị trường của thông tin. Thông tin có vai trò quan trọng tới quyết định của nhà đầu tư. Do đó, thời gian qua, hiện tượng tin đồn thất thiệt thông qua truyền miệng, trang cá nhân, diễn đàn trên Internet... đã ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK.


 

Sàn Giao dịch chứng khoán SBS của Sacombank (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

 

Để “vô hiệu hóa” tin đồn, dư luận, đặc biệt các nhà đầu tư đang ngóng chờ những động thái mạnh từ phía cơ quan quản lý cũng như sự minh bạch thông tin của các công ty chứng khoán (CTCK), doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên sàn.

 

Những tin đồn thất thiệt về hoạt động kinh doanh hay nhân sự của doanh nghiệp, ngân hàng bị bắt, bị điều tra đã có tác động xấu tới TTCK. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, thông tin chính xác, thời sự chiếm tới 80% yếu tố thành công của việc đầu tư. Chính vì lẽ đó, sự đa chiều của các luồng thông tin luôn tiềm ẩn những tin đồn thất thiệt.


Đơn cử, đầu tháng 11/2012, tâm lý bất ổn của nhà đầu tư đã được chứng minh bởi sự sụt giảm mạnh của thị trường bắt nguồn từ những thông tin bên lề chưa rõ ràng về nhân sự chủ chốt của một vài ngân hàng. Có những thời điểm, áp lực bán tháo cổ phiếu của các nhà đầu tư đã khiến các chỉ số trên cả hai sàn chứng khoán đồng loạt sụt giảm. Mặc dù, áp lực bán tháo xuất hiện khiến thanh khoản thị trường tăng vọt song các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đều dễ dàng bị phá vỡ cho thấy tâm lý sợ hãi đã hoàn toàn chi phối diễn biến thị trường.


Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), những tin đồn liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị cổ phiếu. Lúc đó, tâm lý của nhà đầu tư sẽ đổ xô đi mua hoặc bán cổ phiếu khiến giá cổ phiếu không phản ánh đúng bản chất cũng như tính thanh khoản của thị trường.


Đại diện HNX cho biết thêm: Tin đồn là một phần ở trên thị trường. Đến giờ, HNX luôn giám sát những tin đồn thất thiệt. Ví dụ năm 2005 có tin đồn Nhà máy nhiệt điện Phả lại bị cháy tổ máy số 1. Sau khi xuất hiện thông tin này, HNX đã tiến hành xác minh và kết quả là không phải vậy. HNX đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc để điều tra.


Từng là nạn nhân của tin đồn, anh Nguyễn Huy Hải - ngõ Tự Do, phố Đại La (Hà Nội), nói: “Có những lúc tôi khốn khổ vì tin đồn. Dù nắm những mã cổ phiếu rất tốt nhưng vẫn bị rớt giá, thua lỗ. Tin đồn không chính thức dẫn tới nhà đầu tư dài hạn bị thua lỗ nhiều”.


Theo các chuyên gia chứng khoán, động cơ tin đồn có nhiều loại, vì vậy các nhà đầu tư cần để ý động cơ vụ lợi của một bộ phận nào đó trong liên quan tới việc đẩy giá lên hoặc xuống. Không ít tin đồn xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các sản phẩm, nhãn hàng tương tự hoặc động cơ của nhóm đầu cơ thao túng cổ phiếu.


Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) chia sẻ: “Nhóm đối tượng đưa thông tin thất thiệt nhằm mục tiêu lớn nhất là trục lợi, tin đồn sẽ tác động tới nhóm đầu tư thiếu hiểu biết để họ hành động đầu tư trái với hoạt động của thị trường. Ví dụ: Nhà đầu tư “xả” cổ phiếu ra thì họ lại liên kết mua vào rồi lại bán kiếm lời...”.


Còn nhớ vụ việc cuối năm 2003, khi có tin đồn thất thiệt về việc tổng giám đốc của Ngân hàng Á châu - ACB bỏ trốn. Ngay khi thông tin lan ra ngoài, không ít khách hàng hoang mang đến rút tiền. Đích thân Thống đốc NHNN (hồi đó là ông Lê Đức Thúy) phải đến tận trụ sở ACB để trấn an dư luận, người dân mới tin tưởng dừng rút tiền. Gợi đến chuyện cũ như vậy để khẳng định thông tin liên quan tới tài chính, ngân hàng nhạy cảm tới mức nào.


Trước những hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng: Các doanh nghiệp khi “dính” vào tin đồn thì nên xác minh, công khai thông tin kịp thời; mặt khác khuyến cáo nhà đầu tư không nên đầu tư theo tâm lý “bầy đàn”. Nhà đầu tư nên tin tưởng theo dõi sát sao công bố thông tin của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý TTCK thì sẽ vô hiệu hóa tin đồn.

 

Đại diện UBCKNN cho hay: Thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường công tác giám sát thị trường thông qua cơ chế 2 tuyến là HNX và UBCKNN. Ngoài ra, yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK), tổ chức niêm yết khi tiếp nhận thông tin không chính xác cần phải cải chính ngay trong vòng 24 giờ hoặc 72 giờ. Vai trò của cơ quan quản lý là thu thập qua hệ thống báo cáo những sự việc bất thường; đồng thời yêu cầu đối tượng đó phải công bố, giải thích, trấn an các nhà đầu tư.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN