Ngày làm việc thứ hai Hội nghị IPU về ứng phó với biến đổi khí hậu

Các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Khu vực châu Á – Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu đã có chuyến đi thực tế Khu dân cư Cầu Dần Xây...

Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó biến đổi khí hậu . Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Khu vực châu Á – Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 12/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; Tổng thư ký IPU Martin Chungon; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đi thực địa, tìm hiểu thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Khu dân cư Cầu Dần Xây - nơi bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, tiến hành Lễ trồng cây và thăm rừng ngập mặn Cần Giờ, tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.


Cùng tham dự có khoảng 200 đại biểu đến từ Quốc hội 24 nước trong Khu vực châu Á- Thái Bình Dương và đại diện nhiều tổ chức quốc tế.


*Khu dân cư Dần Xây là khu vực thuộc phạm vi rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Do quá trình lấn chiếm đất rừng phòng hộ để xây dựng nhà ở nên đã tác động đến quá trình phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn. Mặt khác, là khu vực dân cư tự phát nên các cơ sở hạ tầng thiết yếu hầu như không có (đường giao thông, hệ thống điện - viễn thông, trường học, trạm xá, chợ…). 


Tại đây, các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến, do nằm ngay bên bờ sông Dần Xây nên khu vực dân cư này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy triều, thường xuyên bị ngập do nước dâng, triều cường và các vụ sạt lở vẫn còn hiện hữu... Các đại biểu quốc tế cũng đã được nghe giới thiệu về công tác ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Với chủ trương di dời, bố trí dân cư phòng tránh thiên tai gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức di dời 70 hộ dân đến các khu dân cư sinh sống an toàn, phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức di dời những khoảng 70 hộ còn lại.


*Tiếp sau đó, Đoàn đại biểu đã tham dự Lễ trồng cây tại Khu qui hoạch Công viên văn hóa Rừng Sác, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ do Thành ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và tác động đến sản xuất, đời sống, môi trường. Thành phố đã nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, dự án… ; trong đó việc trồng rừng, trồng cây xanh, bảo vệ rừng và bảo vệ cây xanh và được người dân tích cực hưởng ứng.


Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, 50 cây bàng vuông được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trồng dịp này là một loại cây có sức sống mãnh liệt, có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt; đồng thời hy vọng rằng, những cây bàng vuông được các đại biểu tham dự Hội nghị IPU trồng sẽ phát triển, vươn lên mạnh mẽ xanh tươi như chính sự kiên cường bất khuất của con người Việt Nam nói riêng và cư dân toàn thế giới nói chung trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.


Chủ tịch IPU Saber Chowdhury phát biểu cảm ơn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện hết sức có ý nghĩa và cho rằng, Lễ trồng cây là ví dụ điển hình cho việc nhìn vào tương lai, thể hiện sự cam kết không chỉ là đối với nhân dân địa phương mà còn đối với nhân loại toàn thế giới nói chung.


Chủ tịch Saber Chowdhury nhận xét, trên đường đi thực địa, các nhà lãnh đạo, đại biểu Quốc hội các nước, các đại biểu quốc tế được tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Đó là có những cộng đồng dân cư đã phải di chuyển nơi ở, thay đổi cuộc sống của mình.Theo Chủ tịch S.Chowdhury, Hội nghị chuyên đề IPU Khu vực châu Á- Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững" không chỉ đơn thuần là đối thoại, mà còn là sự thể hiện hành động của những nhà lập pháp trong việc đối mặt với một trong những thách thức thời đại đó là vấn đề biến đổi khí hậu. 


Cho rằng việc trồng cây xanh chính là đầu tư cho tương lai của cuộc sống con người, làm giàu thêm hệ sinh thái, giúp làm giảm khí CO2, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, Chủ tịch IPU mong rằng, mỗi đại biểu khi về đất nước mình tích cực nhân rộng diện tích cây xanh, góp phần bảo vệ sinh thái, tạo môi trường sống hài hòa với thiên nhiên.


Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Các nhà lập pháp châu Á - Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu
Các nhà lập pháp châu Á - Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á – Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ngày 11/5, các đại biểu đã thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện để đạt được các mục tiêu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN