Ngân hàng “săn” mua công ty tài chính

Cho vay với lãi suất cao mà không bị quản lý bởi trần lãi suất, thủ tục cho vay đơn giản, cho vay với khoản vay nhỏ, giải ngân nhanh... là những ưu điểm của những công ty tài chính. Theo đó, nhiều ngân hàng đã “săn” mua các công ty này để mở rộng thị phần bán lẻ, đẩy mạnh hoạt động tín dụng của mình đang bị “tắc” thời gian qua.


Ồ ạt “săn” mua


Cuối tháng 10/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc Ngân hàng Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) mua lại Công ty tài chính Việt-Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty tài chính HDFinance, vốn điều lệ 550 tỷ đồng, do HDBank sở hữu 100%. Theo Phó Tổng Giám đốc HDBank Lê Thành Trung, việc mua lại công ty tài chính là để thâm nhập mảng tín dụng tiêu dùng, vốn được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.

 

Ngân hàng Maritimebank dự định sẽ mua lại công ty tài chính chuyên biệt để phát triển cho vay tiêu dùng.


Mùa đại hội cổ đông 2014, hàng loạt các ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc mua công ty tài chính làm công ty con. Mới đây nhất, HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã xin ý kiến các cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một công ty tài chính để tái cấu trúc đơn vị này thành công ty con trực thuộc ngân hàng. Đại diện ngân hàng SHB cho rằng, SHB phấn đấu đạt mục tiêu đến 2015 trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và 2020 sẽ là tập đoàn tài chính. Do đó, đây là cơ hội để SHB phát triển mảng dịch vụ phục vụ tiêu dùng, một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh và đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng.

Hiện Việt Nam có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó sẽ có 6 công ty tài chính buộc phải tái cấu trúc và tất cả đều là các công ty trong nước. Hình thức tái cấu trúc có thể là sáp nhập vào ngân hàng hoặc bán lại cho một tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng thì các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có việc phải thoái vốn khỏi những công ty tài chính.


Tương tự, trong đại hội cổ đông mới đây, Phó Chủ tịch Maritimebank Đào Trọng Khanh cũng hé lộ khả năng lập công ty tài chính chuyên biệt để phát triển cho vay tiêu dùng. Trước đó, VPBank cũng cho biết đang hoàn tất thủ tục để mua lại 100% cổ phần của Công ty Tài chính Than khoáng sản Việt Nam (CMF). Tương tự Tổng công ty Tài chính Dầu khí PVFC đã sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank).


Cuộc chạy đua “săn” công ty tài chính của các ngân hàng càng trở nên sôi động sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 39 về việc công ty tài chính, cho thuê tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như: bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một ngân hàng thương mại (NHTM). Ngoài ra, các công ty tài chính còn có thể thực hiện huy động vốn ở thị trường chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác; đầu tư cho các dự án theo hợp đồng và cả làm đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá cho các doanh nghiệp…


Lợi cả đôi đường


TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhìn nhận, những thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng và công ty tài chính là việc làm có lợi cho cả đôi bên. Ngân hàng thì sử dụng công ty tài chính như một công ty con của mình để gia tăng các dịch vụ phái sinh, cho vay, thuê mua tài chính… Ngược lại, công ty tài chính được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào của ngân hàng mẹ. Theo đó, ngân hàng sẽ phát triển mạnh hơn, còn công ty tài chính yếu sẽ nhờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng để phát triển.


Thực tế cho thấy, trong khi nhiều ngân hàng chật vật cho vay và tìm kiếm lợi nhuận ở mức chấp nhận được thì HDBank lại dễ dàng có được mức lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế năm 2013 sau khi đã trích lập dự phòng, trong đó Công ty Tài chính HDFinance đóng góp đến 79 tỷ đồng lợi nhuận.


Còn Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Crédit), vốn góp chỉ 550 tỷ đồng nhưng đạt mức lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 của Home Credit, đến hết năm 2013, đạt hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay, còn lợi nhuận thuần đạt 711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 530 tỷ đồng, cao gấp 5 lần kết quả năm 2012.


Có được mức lợi nhuận này là nhờ công ty tài chính có thể dễ dàng cho vay những khoản cho vay nhỏ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, mà không cần phải có tài sản thế chấp nên phù hợp với người có thu nhập thấp, trung bình. Tuy nhiên, nếu lãi suất cao hơn thì do rủi ro cũng cao, trung bình khoảng 35%/năm.


Vì vậy, bên cạnh ưu thế lãi khủng, các công ty tài chính cũng phải đối mặt với sự rủi ro không ít từ nợ xấu. Bởi trong 2 năm qua, đa phần các công ty tài chính đều thua lỗ lớn, có thể âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu lên đến 30%, thậm chí 50%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, tính đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96% và 37,53%. Vì thế, định hướng của NHNN năm 2014 sẽ tập trung vào tái cơ cấu nhóm công ty tài chính.

 

Bài và ảnh: Hải Yên

Các ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động
Các ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động

Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam tại một số ngân hàng lớn đã được điều chỉnh giảm nhẹ từ 0,1 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN