Ngân hàng duy trì gói tín dụng để gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia trong ngành, lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng (TCTD) lớn điều chỉnh giảm vừa qua có ý nghĩa tích cực trong việc giảm lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm. Mặc dù chưa giảm lãi vay nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì các gói tín dụng ưu đãi để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn.

Ngày 7/10, đại diện Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho biết: Để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn, NCB vừa triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng có nhu cầu vay kinh doanh, vay mua nhà và vay mua ô tô. Chương trình kéo dài đến hết 31/12/2016. Cụ thể, với Chương trình “Vay kinh doanh hưởng lãi siêu ưu đãi”, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và vay kỳ hạn trên 18 tháng. Hạn mức vay lên tới 500 tỷ VND với phí trả nợ trước hạn thấp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NCB.

Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu vay mua nhà cũng có cơ hội lựa chọn 1 trong 3 mức lãi suất ưu đãi 7%/năm áp dụng cho 9 tháng đầu tiên, 7,99%/năm áp dụng cho 12 tháng đầu tiên, 9%/năm áp dụng cho 18 tháng đầu tiên, với thời gian vay tối thiểu lên tới 60 tháng. Chương trình áp dụng cho các giao dịch vay mua nhà/đất thuộc dự án và cả nhà/đất riêng lẻ. Khách hàng được áp dụng mức phí trả nợ trước hạn 3% cho 3 năm đầu và 1% kể từ năm thứ 4 trở đi.

Phía NCB cũng đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay mua ô tô tại các đại lý/showroom trên toàn quốc. Ba phương án lãi suất ưu đãi để khách hàng lựa chọn là 6,7%/năm áp dụng trong 9 tháng đầu, 8%/năm cho 12 tháng đầu, và 8,8%/năm cho 18 tháng đầu. Điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đối với phương án 1 và 2 là thời gian vay tối thiểu 24 tháng, với phương án 3 thì thời gian vay tối thiểu là 36 tháng. 

Mới đây nhất,  Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã dành 15 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên, các khách hàng tốt, có quan hệ tín dụng truyền thống với ngân hàng. Phía ngân hàng này cũng đang chủ động tính toán duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp từ nay đến cuối năm đối với khách hàng; đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay hợp lý của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. 


Lãnh đạo một TCTD khẳng định: Khi huy động được vốn rẻ hơn, ngân hàng sẽ cân đối chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nhưng mức độ giảm có tương ứng như lãi suất huy động hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố nữa. Hiện tại tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đang rất thấp. Nếu thanh khoản của ngân hàng dư kéo dài sẽ dẫn đến hạ lãi suất cho vay. Còn nếu thanh khoản dồi dào chỉ mang tính chất tạm thời thì không tác động nhiều đến lãi suất. Việc giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào tín hiệu thị trường.


Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 mới nhất của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8.88%); huy động vốn của các TCTD tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8.9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10.78%). Lãi suất huy động hiện tương đối ổn định, chỉ tăng khoảng 0.2- 0.3% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2016. Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Minh Phương
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ Tư, sáng 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN