Giúp phụ nữ miền núi thoát nghèo bằng nguồn vốn ưu đãi

Thực hiện chương trình giảm nghèo, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), thực hiện nhiều giải pháp giúp phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo.

Nhờ vốn vay 10 triệu đồng, chị Đặng Thị Bình, dân tộc Dao, hội viên phụ nữ xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, đầu tư trồng rừng, lúa, màu, cây ăn quả và chăn nuôi lợn... giúp cho gia đình thoát nghèo và đời sống từng bước được cải thiện. Ảnh: Dương Ngọc TTXVN

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chị Bàn Thịu Vĩnh, phụ nữ dân tộc Dao, ở xã Tứ Quận, huyện Hàm Yên. Nhìn căn nhà 2 tầng khang trang vừa mới xây xong, ít ai biết chỉ mới đây thôi gia đình chị cũng nằm trong diện nghèo nhất của huyện. Chị tâm sự, gia đình có 5 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trước đây cuộc sống rất khó khăn. Sau khi được tham gia học các lớp tập huấn phát triển kinh tế, chị mạnh dạn vay vốn NHCSXH, cùng gia đình cải tạo đất đồi, đất ruộng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Với 3.600 m2 ruộng được gieo 100% giống lúa lai và 1.440 m2 ngô được chú trọng chăm sóc theo đúng kỹ thuật, hàng năm chị thu hoạch gần 5 tấn lương thực. Tận dụng diện tích đất đồi, mỗi năm chị cũng thu hoạch gần 5 tấn sắn khô. Từ nguồn lương thực sẵn có, chị tập trung chăn nuôi lợn, mỗi năm bán ra thị trường trên 1 tấn lợn thịt. Không dừng lại ở đó, chị mạnh dạn đầu tư trồng 7.200 m2 chè bát tiên, chè LDP2, mỗi năm thu hái gần 10 tấn chè búp. Chị cũng là người đầu tiên trong thôn trồng 1.800 m2 mía giống ROOIO Trung Quốc, cung cấp cho bà con trong thôn. Thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, chị đã thoát nghèo bền vững.

Rời gia đình chị Vĩnh, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Liên, tổ 19, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Từ một hộ nghèo, nhờ được chi hội phụ nữ giúp vay vốn NHCSXH phát triển kinh tế, lại thường xuyên được tập huấn các chương trình, gia đình chị đã phát triển mô hình trang trại với hơn 10 ha đất đồi trồng cây lấy gỗ. Chỉ khoảng 6 năm nữa thôi, gia đình chị sẽ thu 700 - 800 triệu đồng. Lúc đầu vốn ít, chị thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, đầu tư chăn nuôi trâu, bò với số lượng ít. Dần dần, đàn gia súc của chị được mở rộng lên hàng chục con, lúc cao điểm nhất có tới gần 30 con. Dưới nhà là những ruộng lúa, vườn ngô vừa mới gieo, đang phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 4 tấn lúa, 4 tấn ngô. Có nguồn lương thực dồi dào, chị đầu tư nuôi thêm lợn, gà đen (gà ác). Đàn gà của chị đến nay tăng lên khoảng 200 con, hàng năm cung cấp cho thị trường 600 - 1.000 quả trứng.

Thời gian qua, các cơ sở hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các trạm khuyến nông, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn kiến thức làm ăn cho gần 45.000 chị em; tổ chức 12 lớp tập huấn, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho gần 1.500 hội viên. Hội đã đào tạo nghề cho gần 25.000 lao động nữ. Nhằm giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định đời sống, Hội ký ủy thác với NHCSXH cho hơn 34.000 hội viên vay hơn 440 tỷ đồng, tích cực huy động các thành viên gửi tiền tiết kiệm, hiện số tiền là hơn 1,6 tỷ đồng. Hội ủng hộ gần 150 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng Quỹ “Mái ấm tình thương” với gần 300 triệu đồng, giúp xây dựng 15 “Mái ấm tình thương” cho các gia đình đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các cơ sở Hội tích cực vận động hội viên nữ tham gia xây dựng, đóng góp hơn 130.000 ngày công nạo vét kênh mương, hơn 94.000 ngày công sửa và làm đường liên thôn. Hội cũng duy trì gần 500 hộ phát triển thủ công nghiệp, gần 600 mô hình phát triển kinh doanh dịch vụ, 140 mô hình chăn nuôi, 50 mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng 4 mô hình điểm về phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2011, Hội đã đưa gần 6.500 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ nghèo ở Tuyên Quang từ 34,83% (năm 2010) xuống còn 29,08% (năm 2011).

Bà Vương Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang cho biết, để chương trình giảm nghèo đạt kết quả cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng kế hoạch giảm nghèo trong từng năm, phân công ủy viên Ban chấp hành phụ trách từng thôn, bản, chi hội trưởng phụ nữ phụ trách từng hộ để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đưa các hộ thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực, chủ động sáng tạo tham gia chuyển đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”.

Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN