Doanh nghiệp “nín thở” chờ hạ lãi suất

Kể từ ngày 15/7, các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu hạ lãi suất cho các khoản vay cũ về mức bằng hoặc dưới 15% như yêu cầu của Thống đốc NHNN. Theo thông tin từ các ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đã sẵn sàng hạ lãi suất, tuy nhiên chủ yếu là các ngân hàng lớn. Với những ngân hàng nhỏ, việc hạ lãi suất cho khoản vay cũ trong thời gian ngắn là không dễ dàng.

 

Chờ đến hạn


Theo ước tính tại các NHTM được Nhà nước chi phối, tỷ trọng dư nợ được nhận lãi suất 15% trở xuống đến nay cũng đã tăng lên trên 50%. Với tỷ lệ như vậy, việc giảm lãi suất cho khoản vay cũ vừa giúp doanh nghiệp (DN) sớm hoạt động ổn định, giảm nguy cơ nợ xấu, vừa giúp ngân hàng tăng lợi nhuận.


Chính vì vậy, yêu cầu của Thống đốc NHNN về việc hạ lãi suất vay cũ xuống mức 15%/năm, đã được nhiều ngân hàng hưởng ứng tích cực. Cụ thể như Ngân hàng BIDV, bên cạnh việc giảm lãi suất tất cả các khoản nợ cũ về 15%/năm, ngân hàng này sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh từ 9 - 11% khi DN thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV. Còn ngân hàng Vietcombank chủ động hạ lãi suất về dưới 18%/năm từ đầu tháng 5/2012, hiện đang tiếp tục xem xét để đưa lãi suất thấp hơn 15%/năm, nhất là đối với các DN sản xuất trong lĩnh vực ưu tiên có thể không quá 11%/năm; những lĩnh vực khác từ 12 - 13%/năm...


 

Giao dịch tại Hội sở Vietcombank sau khi đã điều chỉnh lãi suất. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

NHTMCP SHB cũng cho biết, tính đến ngày 11/7, SHB đã điều chỉnh 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản vay về lãi suất 13 - 16%/năm. Số khoản vay còn lại có mức lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm 35%/tổng dư nợ của ngân hàng. Tương tự, phía Agribank đang xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay tối đa 15%. Bốn nhóm tín dụng thuộc diện ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và DNNVV thì áp dụng mức trần lãi suất cho vay 13%/năm. Còn các lĩnh vực khác, Agribank căn cứ vào nhu cầu vay vốn, uy tín, khả năng trả nợ để áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp, tối đa 15%/năm.


Tuy các ngân hàng đều khẳng định việc hạ lãi suất các khoản vay cũ không ảnh hưởng đến hoạt động của mình, thế nhưng việc điều chỉnh lãi suất cũng phải có lộ trình cụ thể. Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết một số hợp đồng cũ phải chịu lãi suất huy động ở mức cao, nên “lãi suất cho vay phải giảm từ từ”. Trong khi đó, ngân hàng Dongabank cho biết nhiều hợp đồng tín dụng đã “cố định lãi suất” trong thời gian dài, nên việc tăng hay giảm lãi suất là do ký kết trước đó của khách hàng và ngân hàng, phải đến thời hạn mới thay đổi.


Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa thừa nhận, việc hạ lãi suất về 15% ngay lập tức khó có thể thực hiện được. Thực tế mấy ngày qua, nhiều DN liên hệ với ngân hàng để hỏi về việc hạ lãi suất nhưng đa số các ngân hàng đều chưa có quyết định cụ thể. Có cả những ngân hàng tuyên bố sẽ “phải chờ” để có được quyết định giảm lãi suất.

 

Sợ rủi ro


Không chỉ ngân hàng lớn “nại” đủ lý do, ngay cả các ngân hàng nhỏ cũng rơi vào “thế bí” vì lỡ huy động lãi suất cao trước đó, nay hạ lãi suất khoản cho vay cũ về mức 15% hoặc dưới 15% thì e ngại sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số NHTMCP cho hay phải chờ ý kiến từ các cổ đông, bởi hiện nay các khoản cho vay tiêu dùng vốn chỉ có tính rủi ro cao nên phải chịu lãi suất cao. Nếu nay mức lãi cho vay “trần” được đưa về 15% thì rất có thể ngân hàng sẽ gánh chịu thiệt hại lớn.


Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất xuống mức 15% (hoặc thấp hơn) không khác gì cào bằng tất cả. Những DN có uy tín có các dự án hiệu quả, không nợ quá hạn, nợ xấu... đương nhiên ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất thấp, ngược lại những DN nợ xấu, nợ quá hạn lớn, kinh doanh thua lỗ, thiếu tin cậy thì lãi suất phải chịu mức cao. Yêu cầu kéo lãi vay nợ cũ xuống dưới 15% có thể đẩy một số ngân hàng vào thua lỗ. Giả sử, huy động đúng trần 14%, khi điều chỉnh lãi suất cho vay xuống dưới 15% thì ngân hàng sẽ lỗ, vì ngoài 14% huy động, họ còn phải chịu dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động... Hơn thế, để có thể giảm các món nợ cũ về mức 15%/năm là tối đa, sắp tới ngân hàng sẽ phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí vốn, tìm cách tăng thu nhập từ dịch vụ...


Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc hạ lãi suất nợ cũ về mức 15% là tối đa đã không được cụ thể bằng các văn bản pháp luật mà đơn giản chỉ nằm trong Thông báo "Ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012" mà thôi. Cụ thể, Thông báo viết: "Đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15% để giúp các DN và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh". Về cơ bản, tính hiệu lực pháp lý của văn bản này rất yếu nên các ngân hàng thương mại không thực hiện cũng khó bắt bẻ họ.


Hơn nữa, NHNN trước chỉ quy định trần huy động, không quy định trần cho vay, việc lãi suất cho vay bao nhiêu là thỏa thuận hợp đồng hai bên. Nay, nếu bắt buộc kéo lãi vay về 15% như mức tối đa e là "phạm luật". Vì thế, nhiều DN lo ngại nếu không có được giải pháp hữu hiệu thì việc hạ lãi suất xuống mức tối đa 15% rất khó thực hiện đồng loạt. Nếu chỉ một vài ngân hàng thực hiện, các ngân hàng còn lại không làm thì giá trị rất thấp, và tất nhiên DN sẽ chẳng nhận được những chia sẻ từ ngân hàng.


Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho dù có giảm lãi suất hay không thì đây chỉ mới giải quyết một phần bài toán chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Cái cần giải quyết lớn nhất là phải có giải pháp tạo đầu ra cho hàng tồn kho của doanh nghiệp. Đây mới là nguồn thu chính để trả được nợ ngân hàng.


Hải Yên

Có thể vay ngân hàng mua nhà với lãi suất dưới 10%
Có thể vay ngân hàng mua nhà với lãi suất dưới 10%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Ngay trong tuần đầu của tháng 7, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các gói tín dụng cho khách hàng vay mua nhà với mức lãi suất ưu đãi từ 9,9-12%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN