Doanh nghiệp ngoại rút ngắn gia nhập thị trường ngân hàng bằng M&A

Không chỉ xin mở chi nhánh mới hoặc ngân hàng 100% vốn, nhiều ngân hàng nước ngoài còn đang tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) để rút ngắn con đường gia nhập thị trường Việt Nam.

Thị trường Việt nhiều hấp dẫn

Trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư, như cơ cấu dân số trẻ cao, sức tiêu dùng tăng mạnh, vốn FDI tăng trưởng đều đặn và nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định. Đây cũng chính là lý do nhiều ngân hàng ngoại rất “thèm khát” thị trường Việt Nam.

Ngân hàng Shinhan đã "thâu tóm" mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ tại Việt Nam. Ảnh: ANZ

Mới đây nhất là hai thương vụ M&A được thực hiện trong năm 2017. Đó là ngân hàng Shinhan Bank đã mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ Việt Nam. Shinhan Bank là công ty con của Shinhan Financial Group, một tập đoàn tài chính đến từ Hàn Quốc, có vốn đầu tư 100% tại Việt Nam chưa lâu nhưng đã thu về lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.


Ngay khi nhìn thấy tiềm năng lớn tại Việt Nam, ngay lập tức ngân hàng này đã “thâu tóm” mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam để mở rộng quy mô, mạng lưới và thị phần. Đại diện Shinhan Bank cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết từ các quan quản lý nhà nước, ANZ sẽ hoàn tất chuyển giao vào tháng 11/2017.


Tổng giám đốc Shinhan Bank Việt Nam, ông Shin Dong-min khẳng định: "Để tăng trưởng trong tương lai, M&A là việc cần làm. Việc mua lại mảng bán lẻ ANZ chính là khởi đầu của quá trình này”.


Đại diện ngân hàng này cũng nói thêm, ngoài ANZ, Shinhan Bank cũng không loại trừ thâu tóm mảng bán lẻ của các công ty tài chính khác nhằm tăng trưởng tốc độ trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam.


Ngoài M&A, hàng loạt ngân hàng trong khu vực cũng muốn gia nhập thị trường tại Việt Nam. Mới đây giữa tháng 7/2017, Ngân hàng UOB đến từ Singapore cũng đã được cấp giấy phép chứng nhận thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam, nâng tổng số ngân hàng ngoại tại Việt Nam lên số 9.


Hiện tại, ngân hàng Kbank của Thái Lan cũng đang ngỏ ý muốn thành lập tại Việt Nam. Trước sự “đổ bộ” của ngân hàng ngoại, các ngân hàng trong nước cũng M&A nhằm giành lại thị phần.


Cụ thể, VIB đã mua lại toàn bộ chi nhánh của ngân hàng Commonwealth Bank of Austraulia (CBA) tại TP Hồ Chí Minh. Mới đây, Techcombank cũng thông báo kế hoạch mua lại gần 20% cổ phần do HSBC nắm giữ, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng.


M&A sẽ bùng nổ nếu nợ xấu được gỡ


Theo các chuyên gia tài chính, những thương vụ trên mới chỉ là tảng băng nổi. Trên thực tế, nếu nợ xấu được tháo gỡ thì M&A ngành ngân hàng sẽ còn bùng nổ. Theo đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được cho là sẽ gỡ nút thắt trong hoạt động M&A ngành ngân hàng.


Có thể thấy, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư ngoại đặt vấn đề mua lại các ngân hàng nội như GPBank, Ocean Bank… tuy nhiên nợ xấu lại là rào cản lớn khiến các nhà đầu tư ngoại định giá thấp. Vì thế, nhiều thương vụ đàm phán vẫn bất thành.


Theo Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), việc mua lại một ngân hàng yếu kém đối với nhà đầu tư nước ngoài không đơn giản, một phần là tài sản công nợ ngân hàng rất đa dạng trong khi mạng lưới trải dài toàn quốc… Vì thế, khi tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài phải nhìn thấy triển vọng xử lý nợ xấu.


Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cũng cho biết làn sóng M&A ngân hàng với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại sẽ diễn ra sôi động hơn thời gian tới nếu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành, xử lý ngân hàng yếu kém. Bởi hiện nay, thủ tục thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn khó khăn, các ngân hàng cũng bị giới hạn hoạt động nên việc các nhà đầu tư ngoại vẫn chọn con đường M&A. 


Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng M&A sẽ là con đường tốt nhất để tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là với các ngân hàng yếu kém. Điều này sẽ tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng này cũng như nâng cao quản trị lẫn công tác quản lý rủi ro. Theo đó, các ngân hàng nhỏ, yếu kém muốn tồn tại thì cách tốt nhất là tìm kiếm đối tác để tiến hành M&A.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Vay dưới 100 triệu đồng mới được giải ngân bằng tiền mặt
Vay dưới 100 triệu đồng mới được giải ngân bằng tiền mặt

Nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Thông tư hay thế Thông tư số 09/2012/TT-NHNN đã quy định một số trường hợp được giải ngân bằng tiền mặt, trong đó có quy định vay dưới 100 triệu đồng mới được giải ngân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN